Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Trung thu của tuổi thơ tôi


                        Phạm Tuấn Vũ       
Tháng tám trăng rằm lại về rồi đó. Trung thu về, mang theo nhiều tất bật, rộn ràng. Cuộc sống bây giờ đã khấm khá hơn, trung thu cũng dần đủ đầy, sung túc. Các em sẽ được những chiếc bánh ngọt xinh, những thứ quả chín mọng thơm lừng, được thỏa thích rước đèn ông sao, được múa lân, vui đùa ca hát. Còn niềm vui nào bằng vui Tết Trung thu.
Tôi đã đi qua tuổi thơ, bằng những tháng ngày nghèo khổ. Quê hương tôi tít tắp nơi những ngọn đồi trùng điệp xa đồng bằng mấy chục cây số đường rừng. Ở nơi ấy tôi đã lớn lên, bình yên như rừng núi muôn đời xanh thẳm hiền hòa. Nơi ấy, tôi đã có những mùa Trung thu của tuổi thơ, đơn sơ như ánh trăng núi rừng mà nhiều năm đi mãi, chen chúc giữa bao phố thị mỹ lệ phồn hoa, những mùa trăng rằm ấy vẫn chưa một lần mờ nhạt.

Góc nắng nơi không gian cafe


                                        Thủy Linh Lung
Trước đây, tôi chỉ hay la cà mấy quán ăn vặt, rồi nghêu ngao sông, suối, chứ ít khi tìm đến quán cafe nào. Đến tuổi bắt đầu lớn, tôi mới học được thú tìm không gian nơi những quán cafe... có lẽ bởi, tôi đang cần tìm cho mình một không gian nào đó chẳng? Về nhà, gặp lại mấy đứa bạn cũ, tụ tập nhau ở những quán ồn ã giữa lòng thành phố, tôi ngồi nhưng khó chịu lắm.
Quán nhỏ nhắn khép mình nơi ngoại ô thành phố. Tìm thấy nơi phố xá một luỹ tre, một bờ dậu. Tôi tìm thấy nơi đây đủ đầy một phần tâm hồn tôi. Thân thuộc, bình yên, và lắng đọng như thả trôi mình giữ dòng đời vậy. Mỗi sáng, nhạc Trịnh du dương thiết tha như một tấm chân tình. Không gian, quả đúng như cái tên của nó, mỗi người tìm đến đây như muốn tìm cho mình một không gian để ru hồn. Thả mình lãng quên trong vị cafe đắng dịu và một khoảng trời hồng. Trở về nhà, với tôi cuộc sống lại bắt đầu với những đổi thay mới, những khó khăn mới. Tôi nghĩ mình đã sống khác quá rồi. Không còn được tự do thoải mái nữa, những suy nghĩ cũng phải giấu nhẹm đi. Chỉ khi một mình như lúc này mình mới được sống thật là mình...  

Không đề

Ngồi ôm nỗi nhớ lặng thinh
Biết ai mà hỏi xem mình nhớ ai
Lẽ nào lại nhớ cái người
Mình thì nhớ nẫu, nẫu lười nhớ ta.
                            Quy Nhơn, ngày 24.9.2013
                                          Lê Văn Lợi

Nắng bột

                                              Thủy Linh Lung
Muốn vẽ gì trong nắng, tìm chút vương vấn của ngày qua với diệu vợi đê mê. Nhưng, cơn mê nào rồi cũng tỉnh, là sự tỉnh trong cái sự say. Người đời say, ta say, đất trời cùng say. Cứ như thế, khi đi hết mê lộ ta mới nhận ra thế giới này bé nhỏ lắm... ta lạc mất mình trong cơn say, nhưng khát khao tìm chính mình sau khi tỉnh dậy. Say chi nữa cô bé? dậy đi, dậy và bắt đầu một cuộc sống tỉnh. Mang nắng trời đi buôn, lấy lãi lời nuôi nấng tâm hồn mình…
“Tôi tìm ai giữa một trời chen nắng
Ai tìm tôi giữa phố vắng đong đưa”
Một người nghèo run lẩy bẩy giơ chiếc nón rách tả tơi trước mặt... em lặng lẽ vuốt lại tờ tiền cũ cho phẳng phiu thả vào chiếc nón đầy nắng em thấy mình cũng chỉ là kẻ hành khất giữa cuộc đời. Chỉ hơn, em là kẻ hành khất may mắn giữa những ô trọc... Đưa tay vuốt nhẹ giọt nước mắt lăn trên gò má chàng trai. Em như tự lau đi giọt nước mắt trong lòng mình. Nắng mang cho em chút ánh sáng đưa em ra khỏi chốn tuyệt lộ.

Còn thương rau đắng sau hè


                                          Phạm Tuấn Vũ
Sau hè nhà tôi ngày xưa có chòm rau đắng. Ở cái tuổi bảy tám lên mười, tôi không còn nhớ ngày đó chòm rau ấy có như thế nào. Chắc là do mẹ tôi trồng. Mẹ tôi thường như vậy, mua một mớ rau về, bà thường dành một phần trồng lại. Một đời khổ nghèo, nên bà hay chắt chiu từng thứ nhỏ. Bàn tay sần sùi mẹ tôi vun vén, rau diếp, rau răm lớn dần xanh mởn. Rồi cái bí cái bầu, mẹ gói ghém từng hạt giống,  một tay vun trồng, làm giàn cho lá mát xanh tỏa bóng, cho quả lủng lẳng trưa hè. Chắc là mẹ để dành mấy cọng khi nhặt rau sống mà nhà tôi có chòm rau đắng ấy. Mẹ tôi bảo : “Sau này đi chợ đỡ được mấy đồng”.
Tôi nhớ mãi lần đầu ăn bát canh rau đắng mẹ nấu. Lần ấy đi làm ngoài đồng về, bụng đói mà trời đang mùa nóng, mẹ dọn mâm cơm có món canh mới nên thấy hồ hởi vô cùng. Ai ngờ, mới được một húp, phải bỏ cả bát canh. “Mẹ ơi, canh đắng quá”. Mẹ tôi chỉ mỉm cười, cả đời bà lặng lẽ. Biết tôi thích đồ ngọt, mẹ vào lấy một mẫu đường bát nhỏ cho tôi. Niềm mơ ước của một thời thơ dại là viên kẹo xanh đỏ ngọt ngọt chua chua đôi khi trẻ con nghèo xóm tôi cũng không có được. Nên đường bát ngọt lịm vẫn là món quà bọn tôi rất thích. Bữa cơm ấy tôi ăn không được nhiều vì canh khó ăn. Mẹ tôi chỉ cười, ra vườn hái rau ngót nấu canh khác cho tôi. Bà nói : “Nhiều khi vị đắng sẽ tốt hơn”. Cái tuổi thèm ngọt làm sao tôi hiểu hết. Sau này, khi đi xa và không có ai nấu canh rau ngót cho mình, mà bữa cơm cuộc đời chỉ có rau đắng khổ qua, tôi mới thấm thía hết những điều mẹ nói.

Chùm thơ gia đình của Phạm Tuấn Vũ


Ngày của Ba
Một năm con có bao nhiêu ngày nghỉ
Nào thứ bảy, chủ nhật, ba mươi tháng tư
Nào giỗ tổ, nào quốc tế lao động
Ba của con không được nghỉ một ngày.

Cứ mỗi ngày lễ con nhắn tin chúc mọi người
Nào tết âm, dương, nào hai mươi tháng mười một
Lễ tình nhân, nào hai mươi tháng mười, mồng tám tháng ba
Tin nhắn chúc mừng là những lời có cánh
Trong danh bạ, con nhắn không thiếu ai cả
Nhưng số của Ba, con chưa gửi bao giờ.

Sinh nhật bạn bè con không sót một ai
Nào món quà, tấm thiệp mừng chu đáo
Nào những cuộc gọi, tin chúc mừng hoan hỷ
Đôi khi có cả tiệc tùng
Riêng sinh nhật của Ba, con chưa nhớ một lần.