Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Chiều Noel

                                            Vi Ánh Ngọc

Hơi thở chiều khoác mùa đông buốt lạnh
Cố kiếm tìm dấu vết những vòng xe
Lạc mất sau cơn gió nồm thổi nhẹ
Chợt khe khẽ chuông Giáo đường ngân vang...

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Khóc Đại tướng


                                       Phạm Tuấn Vũ
Bác đã đi rồi, bác Giáp ơi!
Hôm nao như được thấy Bác cười
Miền Trung vừa tan cơn bão dữ
Tin Thủ đô về... Bác mất rồi!

Quảng Bình tan bão, chưa khô lệ
Cả nước chiều nay bỗng khóc òa
Hà Nội cuối thu trời trở lạnh
Bác Giáp bây giờ đã đi xa...

Ôi con người với thế kỉ XX
Đã làm nên một Việt Nam thần thánh
Kìa vị tướng đi đầu từng trận đánh
Mà ung dung như phần thắng nắm rồi.

Một chữ rằng: Thương


Thủy Linh Lung
Lướt qua một vài trang web ta thường chỉ thấy những dòng chữ tiếng anh và mấy hình trái tim to sụ choáng cả màn hình trông đến nhức nhối. Đó là cách thể hiện tình yêu lớp trẻ. Trong nhịp sống hối hả của những cô chiêu, cậu ấm thời @ chỉ có những mối tình chợt đến, lại đi trong tính đỏng đảnh của cơn mưa bóng mây đầu hạ. Thứ tình yêu fasfood ấy có chăng cũng chỉ vài ba tuần, một đôi tháng là tan vỡ. Dường như tình yêu không còn đúng nghĩa, đúng cái chất vốn có của nó nữa, nó đã bị biến thể theo lối sống quá nhanh của thời đại mới.
Nhớ thời ông bà cha mẹ ta, cũng là những con người có suy nghĩ, có những ước mơ và khao khát sống hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc họ có được sao đẹp đẽ đến thế. Tình yêu là một khái niệm quá trừng tượng và chung chung, đã bao lần ta hỏi tình yêu là gì? Nếu ai đã một lần mục sở thị nó, chạm vào nó thì hãy đứng ra mô tả nó. Tất cả chỉ mờ hồ mờ ảo của giọt nước mắt nhìn qua lăng kính lục lăng bảy màu đẹp đẽ mà vô ảnh. Người ta thường nói đến tình yêu nhưng không hiểu và cũng không cắt nghĩa được nó. Người Việt chúng ta chịu ảnh hưởng của chữ yêu từ bên ngoài còn gốc gác cội nguồn của chúng ta không có chữ yêu. Có chăng chỉ một chữ THƯƠNG mà thôi. Con chữ ấy đã cất giữ cả một góc khuất tâm hồn cho cả dân tộc.

Tết Trung Thu - Khởi nguyên và biểu tượng văn hóa

                 Thủy Linh Lung
1. Trung Thu tiết - Khởi nguyên
Tết Trung thu là một lễ hội dân gian truyền thống ở khu vực Đông Á được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Tết Trung thu không chỉ là lễ hội cổ truyền của người Trung Hoa mà còn là một lễ tết truyền thống của các nước đồng văn như  Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và một số dân tộc khác. Mặc dù cũng có những quan điểm cho rằng truyền thống mừng ngày Trung thu xuất phát từ nền văn minh lúa nước của người Việt và những tộc người ở phía nam Trung Quốc, nhưng khối lượng những truyền thuyết của người Trung Hoa liên quan đến sự khởi nguyên tết Trung thu xem ra vẫn dồi dào hơn.
Nông lịch của người Trung Quốc chia một năm ra làm bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mỗi mùa có ba tháng. Tháng tám rơi vào tháng thứ hai của mùa thu (Thu quý 秋季) nên được gọi là trọng thu (仲秋) hoặc trung thu (中秋). Ngày rằm tháng tám là ngày mà mặt trăng sáng rõ nhất trên bầu trời; do đó, từ thượng cổ, người Trung Quốc đã có tục cúng trăng vào ngày rằm tháng tám.
Để giải thích tục cúng trăng, truyền thuyết Trung Hoa thời cổ có câu chuyện Hằng Nga bôn nguyệt (Hằng Nga chạy trốn lên mặt trăng). Đã là truyền thuyết thì có nhiều dị bản, nhưng phiên bản sau được chấp nhận và phù hợp với tâm thức dân gian hơn cả: Chàng Hậu Nghệ dũng cảm đã trèo lên đỉnh Côn Lôn bắn chín mặt trời mặt trời chỉ chừa lại một mặt trời để cứu dương gian và được Vương Mẫu nương nương ban cho thuốc trường sinh bất tử. Một lần, khi chàng rời nhà đi săn, Hằng Nga, vợ chàng, đã bị Bàng Mông, một kẻ tâm thuật bất chính, ép phải giao thuốc trường sinh. Vì không muốn viên thuốc rơi vào tay kẻ bất nhân, Hằng Nga đã uống viên thuốc và nàng trở thành một tiên tử trốn lên cung trăng. Hậu Nghệ trở về biết chuyện rất nhớ thương Hằng Nga. Nhìn lên mặt trăng thấy thấp thoáng có bóng giai nhân, chàng bèn cho người bày dưới bóng trăng những thức ăn mà Hằng Nga vẫn thích, rồi mời một số người thân đến uống rượu tâm tình. Về sau, mọi người theo đó bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga ban cho may mắn và bình an.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Trung thu của tuổi thơ tôi


                        Phạm Tuấn Vũ       
Tháng tám trăng rằm lại về rồi đó. Trung thu về, mang theo nhiều tất bật, rộn ràng. Cuộc sống bây giờ đã khấm khá hơn, trung thu cũng dần đủ đầy, sung túc. Các em sẽ được những chiếc bánh ngọt xinh, những thứ quả chín mọng thơm lừng, được thỏa thích rước đèn ông sao, được múa lân, vui đùa ca hát. Còn niềm vui nào bằng vui Tết Trung thu.
Tôi đã đi qua tuổi thơ, bằng những tháng ngày nghèo khổ. Quê hương tôi tít tắp nơi những ngọn đồi trùng điệp xa đồng bằng mấy chục cây số đường rừng. Ở nơi ấy tôi đã lớn lên, bình yên như rừng núi muôn đời xanh thẳm hiền hòa. Nơi ấy, tôi đã có những mùa Trung thu của tuổi thơ, đơn sơ như ánh trăng núi rừng mà nhiều năm đi mãi, chen chúc giữa bao phố thị mỹ lệ phồn hoa, những mùa trăng rằm ấy vẫn chưa một lần mờ nhạt.

Góc nắng nơi không gian cafe


                                        Thủy Linh Lung
Trước đây, tôi chỉ hay la cà mấy quán ăn vặt, rồi nghêu ngao sông, suối, chứ ít khi tìm đến quán cafe nào. Đến tuổi bắt đầu lớn, tôi mới học được thú tìm không gian nơi những quán cafe... có lẽ bởi, tôi đang cần tìm cho mình một không gian nào đó chẳng? Về nhà, gặp lại mấy đứa bạn cũ, tụ tập nhau ở những quán ồn ã giữa lòng thành phố, tôi ngồi nhưng khó chịu lắm.
Quán nhỏ nhắn khép mình nơi ngoại ô thành phố. Tìm thấy nơi phố xá một luỹ tre, một bờ dậu. Tôi tìm thấy nơi đây đủ đầy một phần tâm hồn tôi. Thân thuộc, bình yên, và lắng đọng như thả trôi mình giữ dòng đời vậy. Mỗi sáng, nhạc Trịnh du dương thiết tha như một tấm chân tình. Không gian, quả đúng như cái tên của nó, mỗi người tìm đến đây như muốn tìm cho mình một không gian để ru hồn. Thả mình lãng quên trong vị cafe đắng dịu và một khoảng trời hồng. Trở về nhà, với tôi cuộc sống lại bắt đầu với những đổi thay mới, những khó khăn mới. Tôi nghĩ mình đã sống khác quá rồi. Không còn được tự do thoải mái nữa, những suy nghĩ cũng phải giấu nhẹm đi. Chỉ khi một mình như lúc này mình mới được sống thật là mình...  

Không đề

Ngồi ôm nỗi nhớ lặng thinh
Biết ai mà hỏi xem mình nhớ ai
Lẽ nào lại nhớ cái người
Mình thì nhớ nẫu, nẫu lười nhớ ta.
                            Quy Nhơn, ngày 24.9.2013
                                          Lê Văn Lợi

Nắng bột

                                              Thủy Linh Lung
Muốn vẽ gì trong nắng, tìm chút vương vấn của ngày qua với diệu vợi đê mê. Nhưng, cơn mê nào rồi cũng tỉnh, là sự tỉnh trong cái sự say. Người đời say, ta say, đất trời cùng say. Cứ như thế, khi đi hết mê lộ ta mới nhận ra thế giới này bé nhỏ lắm... ta lạc mất mình trong cơn say, nhưng khát khao tìm chính mình sau khi tỉnh dậy. Say chi nữa cô bé? dậy đi, dậy và bắt đầu một cuộc sống tỉnh. Mang nắng trời đi buôn, lấy lãi lời nuôi nấng tâm hồn mình…
“Tôi tìm ai giữa một trời chen nắng
Ai tìm tôi giữa phố vắng đong đưa”
Một người nghèo run lẩy bẩy giơ chiếc nón rách tả tơi trước mặt... em lặng lẽ vuốt lại tờ tiền cũ cho phẳng phiu thả vào chiếc nón đầy nắng em thấy mình cũng chỉ là kẻ hành khất giữa cuộc đời. Chỉ hơn, em là kẻ hành khất may mắn giữa những ô trọc... Đưa tay vuốt nhẹ giọt nước mắt lăn trên gò má chàng trai. Em như tự lau đi giọt nước mắt trong lòng mình. Nắng mang cho em chút ánh sáng đưa em ra khỏi chốn tuyệt lộ.

Còn thương rau đắng sau hè


                                          Phạm Tuấn Vũ
Sau hè nhà tôi ngày xưa có chòm rau đắng. Ở cái tuổi bảy tám lên mười, tôi không còn nhớ ngày đó chòm rau ấy có như thế nào. Chắc là do mẹ tôi trồng. Mẹ tôi thường như vậy, mua một mớ rau về, bà thường dành một phần trồng lại. Một đời khổ nghèo, nên bà hay chắt chiu từng thứ nhỏ. Bàn tay sần sùi mẹ tôi vun vén, rau diếp, rau răm lớn dần xanh mởn. Rồi cái bí cái bầu, mẹ gói ghém từng hạt giống,  một tay vun trồng, làm giàn cho lá mát xanh tỏa bóng, cho quả lủng lẳng trưa hè. Chắc là mẹ để dành mấy cọng khi nhặt rau sống mà nhà tôi có chòm rau đắng ấy. Mẹ tôi bảo : “Sau này đi chợ đỡ được mấy đồng”.
Tôi nhớ mãi lần đầu ăn bát canh rau đắng mẹ nấu. Lần ấy đi làm ngoài đồng về, bụng đói mà trời đang mùa nóng, mẹ dọn mâm cơm có món canh mới nên thấy hồ hởi vô cùng. Ai ngờ, mới được một húp, phải bỏ cả bát canh. “Mẹ ơi, canh đắng quá”. Mẹ tôi chỉ mỉm cười, cả đời bà lặng lẽ. Biết tôi thích đồ ngọt, mẹ vào lấy một mẫu đường bát nhỏ cho tôi. Niềm mơ ước của một thời thơ dại là viên kẹo xanh đỏ ngọt ngọt chua chua đôi khi trẻ con nghèo xóm tôi cũng không có được. Nên đường bát ngọt lịm vẫn là món quà bọn tôi rất thích. Bữa cơm ấy tôi ăn không được nhiều vì canh khó ăn. Mẹ tôi chỉ cười, ra vườn hái rau ngót nấu canh khác cho tôi. Bà nói : “Nhiều khi vị đắng sẽ tốt hơn”. Cái tuổi thèm ngọt làm sao tôi hiểu hết. Sau này, khi đi xa và không có ai nấu canh rau ngót cho mình, mà bữa cơm cuộc đời chỉ có rau đắng khổ qua, tôi mới thấm thía hết những điều mẹ nói.

Chùm thơ gia đình của Phạm Tuấn Vũ


Ngày của Ba
Một năm con có bao nhiêu ngày nghỉ
Nào thứ bảy, chủ nhật, ba mươi tháng tư
Nào giỗ tổ, nào quốc tế lao động
Ba của con không được nghỉ một ngày.

Cứ mỗi ngày lễ con nhắn tin chúc mọi người
Nào tết âm, dương, nào hai mươi tháng mười một
Lễ tình nhân, nào hai mươi tháng mười, mồng tám tháng ba
Tin nhắn chúc mừng là những lời có cánh
Trong danh bạ, con nhắn không thiếu ai cả
Nhưng số của Ba, con chưa gửi bao giờ.

Sinh nhật bạn bè con không sót một ai
Nào món quà, tấm thiệp mừng chu đáo
Nào những cuộc gọi, tin chúc mừng hoan hỷ
Đôi khi có cả tiệc tùng
Riêng sinh nhật của Ba, con chưa nhớ một lần.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Rừng chiều Măng Đen

Tác phẩm: Rừng chiều Măng Đen - Tác giả: Lê Văn Lợi

DIỀU GIẤY TUỔI THƠ

                                            Phạm Tuấn Vũ
Tuổi thơ ai có cánh diều đẹp xinh căng gió. Tuổi thơ tôi và lũ bạn quê ngày ấy chỉ có những con diều nho nhỏ tự tạo và chẳng bao giờ bay cao lên được. Vậy mà bao năm tháng rồi, cánh diều vụng về của một thời đầu trần chân đất ấy vẫn chấp chới hoài trong những giấc mơ.
Lũ chúng tôi lớn lên, lem luốc và lặng thầm. Có đồng quê chiều chiều khói rơm lên trời, có chú nghé ọ thỉnh thoảng vểnh tai ngơ ngác, có những trò đuổi bắt quên cả tháng ngày. Bạn cùng trang lứa ngày ấy chẳng ai biết con diều mua như thế nào. Mà cũng chẳng ai từng một lần bận tâm chúng đẹp ra sao. Vì đơn giản, trong suy nghĩ, chúng tôi chưa bao giờ cho là lại có diều bán sẵn. Chỉ có con diều giấy nho nhỏ tự làm ít khi bay lên được cao và thường hay đứt chỉ. Ai muốn thả diều phải tự làm lấy một con. Vậy mà đã bao mùa hè như thế trôi qua, cánh diều giấy vẫn bay hoài, chở những giấc mơ thơ trẻ lên cao.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

MĂNG ĐEN KÝ SỰ

Khu biệt thự Măng Đen (từ internet)
                                             Lê Văn Lợi
        Ngồi sau tay lái một thầy giáo, nhưng thuộc hàng đệ nhất đẳng lái xe, xuôi quốc lộ 24 từ Kon Tum trực chỉ Măng Đen (huyện Kon Plong, Kon Tum).
Ra khỏi thành phố chừng 15km, điểm gây ấn tượng đầu tiên là là Nhà thờ giáo xứ Kon Xơmluh, thuộc thôn Kon Xơmluh, xã Dak Tơre, huyện Kon Rẫy.  Nhà thờ mới khánh thành vào ngày 06.12.2011, rất nguy nga, vững chãi, toạ lạc trên một ngọn đồi thoáng đãng, được phỏng theo mô-típ nhà sàn dân tộc Tây Nguyên. Đẹp, nhưng không ăn nhập với cảnh quan. Cái vẻ lộng lẫy của nó càng làm nổi bật cái nghèo khó, lam lũ của những chiếc nhà sàn nhỏ bé, xộc xệch ở chung quanh. Anh “thầy lái xe” chỉ cho dừng lại chừng mươi phút, đủ “chộp” mấy kiểu ảnh, lại tiếp tục hành trình.

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

KHOẢNG TRỜI CỦA BA

                                                 Thủy Linh Lung
Nước mắt rơi nhòe khoảng trời nơi khung cửa sổ, nó lặng lẽ bó gối thẫn thờ nhìn chòng chọc vào khoảng không đang bị đốt cháy bởi giậu Dâm Bụt đỏ nhức. Dù đã viên mãn, nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên đôi gò má nó cho đến khi thiếp vào giấc ngủ. Trong giấc mơ bé con là khoảng trời hạnh phúc bừng sắc hoa, và niềm vui trên từng nét mặt, nụ cười thân thương.
Dấu vết cựu thời đã nhốt khát khao của ba vào ảo mộng về những chuyến bay. Những chuyến bay qua nẻo đất mới, những chuyến bay mở ra vùng trời mới. Mỗi lần trở về, trên khuôn mặt những người đồng nghiệp của ba là vẻ mệt nhoài bởi thiếu ngủ. Còn ba luôn ôm chầm, công kênh nó lên vai, để nó hít cái mùi mồ hôi khô trên chiếc áo phồng lên trong gió của ba. Ba say sưa kể về những khoảng trời, những vùng đất ba đi qua trước ánh mắt thèm thuồng của nó.

Chùm thơ Chợ đời của Vi Ánh Ngọc

Chợ đời
Chợ đời bán gió mua trăng
ta đem bán những thăng trầm thời gian
chợ đời đoạn khúc quan san
ta chưa mua nổi hành trang cuộc đời.

Chợ đời giông tố muôn nơi
mua đi bán lại cả trời bán buôn
chợ đời nắng cháy mưa tuôn
chênh vênh đứng lặng giữa nguồn suối thơ.

Chợ đời cho đến bây giờ
vẫn vần thơ cũ bơ phờ ngóng trông
chợ đời một khối tơ lòng
ta nghe nặng trĩu những dòng tương tư.

NGUỒN GỐC CỦA TẾT THANH MINH

(THANH MINH TIẾT KHỞI NGUYÊN - 清 明 節 起 源)
                                                                                   Võ Minh Hải
Tết Thanh minh (Thanh minh tiết - 清明節)là ngày lễ rất quan trọng trong văn hoá dân gian, là một trong tám ngày lễ tiết quan trọng theo phong tục Trung Hoa (中華) như: Thượng nguyên 上元 hay còn gọi là Nguyên tiêu 元宵, Thanh minh 清明, Lập hạ 立夏, Đoan ngọ 端午, Trung nguyên 中元, Trung thu 中秋, Đông chí 冬至 và Trừ tịch 除夕.
Thời đoạn của tiết Thanh minh có thế rất dài, trước ngày mồng 5 tháng Tư âm lịch 10 ngày và kéo dài sau đó 8 này (có thuyết nói là 10 ngày). Trong khoảng thời gian gần 20 ngày đó được xem là thuộc vào tiết Thanh minh. Về nguồn gốc của lễ tết này, căn cứ theo truyền thuyết khởi thuỷ bắt nguồn từ lễ Mộ tế 墓祭 của các bậc đế vương thời cổ, về sau dân gian cũng phỏng theo tục ấy. Vào ngày này, người ta thường quét dọn, cúng tế mộ phần của tổ tiên ông bà, từ đó đã hình thành một phong tục đẹp của người Trung Quốc. Tết Thanh minh 清明và Xuân tiết 春節, Đoan ngọ 端午, Trung Thu 中秋 còn được gọi là 04 đại lễ tiết truyền thống của người Hoa. Từ năm 2008, tết Thanh minh đã được nhà nước Trung Quốc công nhận là quốc lễ và toàn dân được nghỉ lễ.

Chùm thơ Chiều mưa của Lê Văn Lợi

KHÔNG ĐỀ
Bắc thang lên hỏi ông trời
Ai xui em đẹp cho tôi dại khờ
Cho nhiều thêm những giấc mơ
Cho dài nỗi nhớ, cho vơ vẩn lòng?



MƯA Ở QUÊ NHÀ 
                     Cho BH 
Hiên ngoài gió lọt song thưa,
Đêm nằm thiếu phụ nghe mưa, ngóng chồng,
Phương xa lòng những thầm mong
Trời nghiêng cho nước đổ dồn về ta.
                     Hà Nội, mạnh thu 2010

NGUỒN GỐC CỦA NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ

(ĐOAN NGỌ TIẾT ĐÍCH KHỞI NGUYÊN - 端午節的起源)
                                                                                             Võ Minh Hải
Về nguồn gốc của tết Đoan ngọ端午節, từ trước đến nay đã tồn tại nhiều cách lý giải khác nhau. Từ cuối thời Đông Hán 東漢末年, người ta đã tìm thấy những thư tịch sưu tầm về tết Đoan ngọ, các học giả thời đó cho rằng nguồn gốc của lễ tiết này có liên quan đến sự tưởng niệm thi hào nổi tiếng của nước Sở 楚國- danh nhân văn hoá Khuất Nguyên 屈原. 
Khuất Nguyên, tên là Bình 平sinh vào khoảng năm 280 TCN, là vương công, đại quý tộc của nước Sở. Ông là người có tài năng xuất chúng, “xuất khẩu thành chương, thạo việc giấy tờ” (Tư Mã Thiên) và vô cùng ái quốc. Năm 25 tuổi, ông đã đảm nhận chức vụ Tả đồ 左徒, một cương vị trọng yếu trong bộ máy cai trị, chỉ thấp hơn Tể tướng 宰相 một bậc. Do sớm thành đạt nên Khuất Nguyên đã bị người đời ganh ghét, đố kỵ ngay cả vương phi của vua Sở Hoài Vương 楚懷王 là nàng Trịnh Tụ 鄭袖 cũng tỏ thái độ bất mãn đối với ông. Đương thời, Sở vương là kẻ bất tài, vô đạo, chỉ biết hưởng lạc. Điều đó khiến cho Khuất Nguyên vô cùng lo lắng, ông muốn cải tổ nền chính trị quốc gia, chủ trường liên hợp với các nước khác để ngăn chặn sự ảnh hưởng của nước Tần秦國. Hoài Vương lúc đầu rất tín nhiệm Khuất Nguyên, nhưng về sau vì nghe lời xúc siểm của bọn gian thần, hầu cận nên ngày càng không tin vào những lời khuyên trung thành của Khuất Bình. Vào lúc ấy, cả ba nước Tần 秦, Tề 齊và Sở楚 đều nổi lên tranh bá, giành lấy sự ảnh hưởng đối với các nước nhỏ ở phía Tây, Đông và Nam. Quan viên của nước Sở đã hình thành 02 phái: Thân Tần 親秦 và Thân Tề 親齊. Để thực hiện âm mưu ly gián của mình, nước Tần đã phái Trương Nghi 張儀, một biện sĩ nổi tiếng đến thương thuyết với vua Sở, nước Tần tình nguyện cắt 600 dặm đất tặng cho Sở và yêu cầu nước Sở phải ly khai với Tề, phá bỏ hội ước trước đây của hai nước. Quả nhiên, vua Sở đã trúng kế và tuyên bố tuyệt giao với Tề. Thế nhưng, đến khi nhận đất thì Trương Nghi đã lật lọng nói là chỉ tặng có 06 dặm. Hoài vương tức giận và hạ lệnh phái binh đánh Tần, nhưng bị bại binh ở đất Đan Dương 丹陽 và buộc phải cắt đất bồi thường chiến phí cho Tần.

Ngày hôm nay... ta lướt qua nhau như chưa từng quen biết!

                               Thủy Linh Lung
Đã bao lâu rồi, em cũng không biết nữa, em chỉ biết mình đã quên anh thật rồi thì phải. Từ tận trong tâm can, trong trái tim em, hình ảnh về anh đã nhạt nhoà lắm. Bố bảo em là kẻ vô tâm khi cần, quả là em như thế thật. Thế nhưng sao hôm nay ta lại gặp nhau...
Lặng lẽ gói gém tất cả, lặng lẽ đợi chờ, em đã từng hy vọng anh sẽ chỉ gửi một cái tin hỏi em thế nào? thế nhưng chỉ là ảo vọng. Em đã đợi chờ anh níu kéo, dù em là người cố tình gạt bỏ đi tất cả, thế nhưng ... Em cũng yếu lòng lắm chứ... Và chúng ta mất nhau như thế. Đừng khóc, đừng buồn anh nhé, em biết anh cũng yếu đuối nhưng khi mối quan hệ của chúng ta đã trở nên vô vị và nhạt nhẽo, khi bên anh có quá nhiều người để sẻ chia, để thay em quan tâm anh thì không có một lý do nào cho em ở lại nữa anh nhỉ. Em ra đi không phải vì em yếu đuối, không phải vì em không yêu anh nữa. Em ra đi vì em thấy giờ đây trong mắt anh em không còn quan trọng nữa. Đôi khi em có cảm giác mình bị bỏ rơi, em đã khóc thật nhiều nhưng rồi cũng chỉ mình em với căn phòng giá lạnh.

Chùm thơ Nhân tình của Thủy Linh Lung

NHÂN TÌNH
Ngày thơ bé, bà thường kể cổ tích con nghe,
Bà bảo nhân tình cái ác là người thiện.
Đời chông gai con vấp té,
Mẹ dạy con nhân tình của từ bỏ là miền tin.
Con khóc, tim mình tan chảy,
Cha dạy con tìm tình nhân trong tiếng cười hạnh phúc.
Và giờ đây... khi một mình cô độc,
Con học bài tìm nhân tình bản thân.
Khi... nằm xuống con sẽ là nhân tình của thiên thu.

LỄ HỘI VU LAN KHỞI NGUYÊN VÀ Ý NGHĨA VĂN HÓA

                                                                                        Võ Minh Hải
1. Khởi nguyên của lễ Vu lan
Lễ hội Vu-lan bồn (hay Vu-lan bồn hội 盂蘭盆會,Vu-lan tiết 盂蘭節) là một khái niệm của khu vực Phật giáo Hán ngữ, khởi nguyên có từ trong kinh tạng của Phật giáo. Hai chữ Vu-lan 盂蘭 được chuyển dịch tắt từ chữ Ullambana trong tiếng Phạn, được người Trung Quốc phiên âm là 烏藍婆孥, người Việt căn cứ theo mặt chữ, đọc cụm từ này theo âm Hán-Việt là Ô lam bà noa; hàm nghĩa của cụm từ này là hiếu thuận, cúng dường, báo ân, cứu đảo huyền, giải thoát sự thống khổ. Danh từ Ullambana có gốc động từ Ud-vlamb, nghĩa là “treo (ngược) lên”. Do đó, các nhà ngôn ngữ Trung Quốc đã dịch thành “đảo huyền 倒懸” và gia tăng thêm hàm nghĩa “cứu đảo huyền chi khổ 救倒懸之苦”, tức là cứu nỗi khổ đau bị sa đọa trong địa ngục. Từ Bồn 盆 là chữ Hán, có nghĩa là cái chậu, đồ dùng để chứa đựng.

MẮT PHỐ

                                Thủy Linh Lung
Tôi gọi nơi ấy là đôi mắt của thành phố. Nơi người cũ bỏ rơi những vũ khúc tình si, để hồn ai xa vợi những nỗi lòng khắc khoải đợi mong. Tôi thấy mình chưa đủ lớn để hiểu thấy nhân tình thế thái đa đoan, nhưng tôi hiểu được một phần của mối rối tơ lòng. Từ nơi ấy, đã bao lần tôi ngắm nhìn thành phố tôi khoách những sắc áo khác nhau. Khi chim vào lặng lẽ, ảo mờ của những ngày mù mưa bụi, khi lại chấp chớn trắng những bọt sóng trắng mùa, ngày nắng biếc cả thành phố soi mình vào khung trời lơ lửng thuở Đường thi. Thi nhân làm nên tên ngọn đồi hay chính ngọn đồi đã là một thi nhân rồi đấy.

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

BIỂN HỒ

                                        Lê Văn Lợi
Chui ra khỏi chiếc xe buýt tuyến Kon Tum – Pleiku vừa dừng lại, đón ngay những hạt mưa lây phây rơi nhẹ lên người. Mát. Dễ chịu. 8 giờ, mặt trời lười biếng còn ngủ nướng nên bức màn mây xam xám vẫn phủ kín, che chở muôn loài.
Đôi mắt Pleiku đến! Ngồi lên xe, nổ máy. Chưa đầy mươi phút, sau khi qua khỏi con đường ngắn rợp bóng thông xanh, một cảnh sơn thủy hữu tình hiện ngay trước mắt: Biển Hồ. Đôi mắt Pleiku chớp chớp mấy cái hỏi có vẻ thách thức: Đẹp chưa? Đành gượng gạo chống chế: Ừ, đẹp. Sở dĩ như vậy, vì trước đây mình hay trêu, chỉ có Quy Nhơn là nhất, còn Giai Lai “chẳng là cái đinh gì”. Mang nỗi ấm ức trong lòng, lần này Đôi mắt Pleiku quyết chí “trả thù” bằng cách cho mình tận mục sở thị “đệ nhất đẳng cảnh quan” phố núi. Dù trong đầu còn đầy ắp óc địa phương chủ nghĩa, không muốn chịu thua Đôi mắt Pleiku, nhưng vẫn phải thốt lên: Đẹp thật! Một cái đẹp không hùng vĩ kiểu thác Đrây Sáp (Dăk Nông), không kiêu sa như Eo Gió (Quy Nhơn), cũng chẳng thướt tha, kiều diễm như Hương giang (Huế); mà đẹp lặng lẽ như đôi mắt buồn sơn nữ.

Chùm thơ Gia đình của Vi Ánh Ngọc

Cổ tích của bà
Tuổi thơ bập bẹ năm mười
ê a tiếng khóc bên lời bà ru
nương quê khói bếp sương mù
đong đưa tiếng võng nắng thu hoen màu.


Ngày xưa cổ tích từng câu
trong veo bà kể… còn đâu bây giờ
chiều nay gió lặng như tờ
con về tìm lại bến bờ thời gian.


Ai đem cổ tích giăng tràn
nấm mồ thấm đất… nghe hàng dương reo.

LỆ PHONG LINH

                                                   Thủy Linh Lung
Những người yêu nhau rồi sẽ trở về cạnh nhau như những con sóng dù phiêu du nơi đâu thì cuối cùng cũng sẽ trở về với bờ cát trắng mà thôi. Chỉ là hãy đợi chờ, hãy tin tưởng
Lớn lên trong tình yêu đong đầy của mẹ bé luôn vu vơ hỏi “ba đâu hả mẹ? sao ba không về với con thế? Có phải vì ba không thương con nữa?”… Những lúc ấy mẹ lại ôm bé vào lòng thủ thỉ rằng một ngày kia ba sẽ trở về với hai mẹ con, và cứ thế bé đợi chờ và hy vọng vào một ngày kia… một ngày kia của tương lai…
Khi bé học cấp hai, bé đọc truyện chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng và bé đã khóc bao lần, trong lòng bé lại thổn thức một hoài vọng được gọi một tiếng ba thân thương… khi nào… khi nào bé sẽ được thốt lên tiếng gọi ấy? Bé ngắm những ngôi sao trên bầu trời và vẽ một khuôn mặt đã mờ nhoà trong kí ức…

Chùm thơ Biển của Phạm Tuấn Vũ

BIỂN HÁT
Chiều nghiêng sóng hát rì rào
Có cô bé nọ nhìn vào biển xanh
Mắt tròn như ngọc long lanh
Xô bờ con sóng khẽ thành lời ca
Cát mềm nâng gót hồng hoa
Có miền cổ tích đi qua dấu hài
Nắng vàng đậu xuống bờ vai
Gió hòa sóng khẽ hát bài du dương
- Này cô bé, chớ buồn vương
Bên em là cả trời thương biển chiều...

VỀ CHỮ NHÂN 仁 TRONG TƯ TƯỞNG CỦA KHỔNG TỬ

                                                                                             Võ Minh Hải
Khổng Tử 孔 子 tên Khâu 丘, tự là Trọng Ni 仲 尼, sinh ngày 1 tháng 11 năm Canh Tuất 庚 戌 (551 TTL) đời Chu Linh Vương 周 靈 王 năm thứ 21 và Lỗ Tương Công 魯 襄 公 năm thứ 22 tại ấp Tu, làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ (thuộc phía nam tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc). Những chi tiết kỹ càng hơn cả về đời sống của ngài là tiểu sử được chép trong quyển XLVII bộ Sử ký 史 記 của Tư Mã Thiên 司 馬 遷.
Khổng tử là người sáng lập ra đạo Nho mà giới nghiên cứu tư tưởng phương Tây gọi là phái Khổng học. Ông là danh sư có ảnh hưởng rất lớn và – điều này mới là điều trọng yếu và duy nhất – là nhà giáo lập trường tư đầu tiên trong lịch sử trung Quốc. Bình sinh, Khổng tử luôn nêu cao tư tưởng Nhân nghĩa, đặc biệt là đức Nhân. Đó là hạt nhân nòng cốt, là con đường đưa ông trở về với nhân bản, với tinh thần nhân văn sâu sắc của văn hoá Trung Hoa, một đặc điểm xuyên suốt trong hệ thống tư tưởng và đó cũng là một yếu tố khẳng định sự trường cửu của tư tưởng Khổng tử qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển.

Tình ca tháng bảy mưa ngâu

                                Thủy Linh Lung
“Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại, dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là máu thịt của bạn rồi…”
                               (Trịnh Công Sơn)
-         Cái gì không có tuổi? Là trời nè, đất nè, còn gì nữa không ba nhỉ ?
Hồi nhỏ con thường quẩn quanh trong những câu hỏi ngốc nghếch như thế, tự đặt ra những ngõ rối cho mình và cho ba nữa... Cái gì không tuổi? Để rồi con lại ngủ khì trong vòng tay rắn chắc của ba tự lúc nào. Trong giấc mơ con vẫn ướt những giọt lệ buồn…
Mẹ sinh con ra vào tháng bảy, cái tháng mưa Ngâu vân vũ giữa trời. Mưa cười như nụ cười thỏa nguyện cuối cùng của mẹ, mưa nhòa đi những giọt nước mắt của ba, và mưa nuôi con lớn dần với điệu vũ của những mùa lặng lẽ qua. Mưa ngâu chỉ là truyền thuyết nhưng sao cứ mãi vận vào tháng bảy thế nhỉ? Mưa ngâu làm rầu đất trời, héo úa lòng người… nhưng lại cho đời một tháng tám trong veo, tinh khôi đến lạ.

NHỮNG KỶ NIỆM NGÀY ĐẦU GIẢI PHÓNG

                                      Lê Văn Lợi
Khoảng gần trưa ngày 29-3-1975, một cột khói đen ngòm cất lên trụ sở Ủy ban hành chính quận Phù Cát kèm theo một tiếng nổ long trời. Máy bay của chế độ Sài Gòn ném bom phá hủy trụ sở quận sau khi chính quyền tháo chạy.
Lúc đó, tôi đang học lớp 7 trường Trung học Phù Cát (nay là THPT Phù Cát I). Cũng nên kể một chút những hiểu biết về cách mạng của một bộ phận thanh, thiếu niên hồi ấy. Lúc bấy giờ, những thanh thiếu niên sống ở vùng do chế độ Sài Gòn kiểm soát, ngoài con em gia đình cách mạng, còn lại đều hiểu “Việt cộng” qua lăng kính bộ máy tuyên truyền của chế độ Sài Gòn. Với tôi, “Việt cộng” là những người hiếu chiến, chỉ biết chém giết; là những người sống trên rừng, thiếu ăn, gầy gò, “bảy thằng Việt cộng đeo trên tàu đu đủ không gãy” v.v… Vì vậy, trong những ngày tháng 3 (1975) tin thất bại của quân đội Sài Gòn từ Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng… dội về, cùng với những lời đồn đoán theo kiểu “Việt cộng về đây sẽ xảy ra cuộc tắm máu”, “Việt cộng sẽ xỏ xâu những người nào có dính líu đến chế độ Sài Gòn ném xuống biển”, “ ai để móng tay dài sẽ bị họ dùng kiềm rút hết”… làm tôi hoang mang cực độ, dù mình không thuộc đối tượng nào trong số đó. Còn suy nghĩ, bao nhiêu năm học hành vứt hết (hồi ấy ở quê tôi những người học đến lớp 7 không nhiều), vì Việt cộng đâu cần chữ nghĩa.

Chùm thơ Tình của Vi Ánh Ngọc

Thơ tình viết cho em
Duyên làm chi trong mắt kẻ tình si
ta chết lịm
đắm đuối lòng mong nhớ
chở trang thơ đi dọc chiều vu vơ
trào dâng mạch nguồn
rung động trái yêu thương.

Thơ tình ta lấp lửng giữa đường
như gãy gánh như bồng bềnh ẩn hiện
trôi vào miền hoang dại
nhào nặn thành rạo rực
thầm thì nhịp tim yêu
đánh thức hồn trinh say đắm dáng yêu kiều.

Tháng năm bằng lăng

                                                                              Phạm Tuấn Vũ
Tháng năm vào rồi đó. Con đường nào không có bằng lăng. Hoa dịu dàng một khoảng trời riêng. Hoa rợp mát một con đường nhỏ. Hoa rải đầy hè phố chiều về nhẹ gót chân em.  
Bằng lăng nở vừa lúc hè sang. Không ồn ào như trăm hoa đua nở mùa xuân, không hối hả như phượng vỹ thắp lửa mùa hạ nồng đượm, bằng lăng lặng lẽ xuất hiện cuối bản hoan ca giao mùa như một nốt trầm lặng lẽ. Không rực rỡ, kiêu kỳ, cũng chưa từng cao sang, đài cát, hoa chọn cho mình một sắc rất riêng. Âm thầm tím biếc một màu. Thương nhau nên cứ trước sau chung tình. Người ta nói hoa buồn là vậy. 

Mùa ổi lên hương

                               Thủy Linh Lung
Có những mùa đến, mùa đi bất chợt để trong ai những bâng khuâng, cứ như một con nắng không đốt được một góc trời nhưng góp nhặt làm nên cả một mùa nắng ải. Từng ngày, từng ngày ta vẫn mong một bàn tay đưa ta về chốn rêu phong cũ để thấy mình được sống đúng nghĩa với trái tim.
Lối mòn đã cũ sao ta lại tìm về, để đánh rơi miền đất hứa mà ta đã đuổi đeo cả một đời. Ta trở về với trái tim giá lạnh sau một cuộc tình đã qua, sau những thi vị của trái ngọt là chát chúa của thứ mủ thấm dần trong ta… Có lẽ vì ta chưa sẵn sàng quên…

VĂN HOÁ HÔN NHÂN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TỪ NGUYÊN HỌC VĂN HOÁ

                                                                                     Võ Minh Hải
Theo Lễ kinh 禮經, hôn nhân là một trong 04 nghi lễ quan trọng của đời người. Đó là Quan, Hôn, Tang, Tế. Quán 冠 là lễ gia quan (đội mũ), biểu thị sự trưởng thành của nam nhân, bởi lẽ ngày xưa con trai hai mươi tuổi thì phải làm lễ đội mũ. Vì thế, theo Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển, con trai trong hai mươi tuổi còn gọi là nhược quan 弱冠.Hôn 婚 (tức nghi lễ thành gia lập thất, duy trì lễ pháp tông đường), Tang 喪 là nghi lễ kết thúc chu trình vòng đời một con người và Tế 祭 là nghi lễ tôn thiên kính địa, lễ bái tiền nhân, tổ tiên của dòng họ, đây là một sự việc cực kỳ trọng đại và liên quan trực tiếp đến đời sống tâm linh của con người. Trong chu trình của một đời người, 04 nghi lễ này đánh dấu sự trưởng thành của con người xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu và lý giải nguồn gốc nghi lễ thứ hai của hai từ góc độ từ nguyên văn hoá.

Nhật ký ngày đẹp trời

                                       Lê Văn Lợi
Sau bao bộn bề công việc, tạm rảnh. Tự thưởng cho mình một giấc ngủ không canh giờ báo thức. Nhưng lũ chim trời hùa với đám chim nuôi nhà hàng xóm thi nhau phá đám: hót lảnh lót chào ngày mới. Dậy thôi. Ở phố mà được đánh thức bởi tiếng chim cũng hay nhỉ? Đó là điều mà thằng AQ trong ta, nhà nơi chân núi, hay "nổ" với đám bạn bè có nhà mặt tiền ở những khu trung tâm thành phố.
   Hôm nay trời đẹp thật. Ông trời già nhầm lẫn chăng? Sao lại lạnh vào dịp xuân hè ở cái đất Quy Nhơn này? 8 giờ rồi mà mặt trời còn luẩn quất trong mây, uể oải dọi những tia nắng nhợt nhạt như tiết cuối đông. Cầm chiếc áo lạnh định mặc ra phố, lại thôi. Dễ gì có cái se lạnh vào thời điểm này. Biết đâu ngày mai ông trời tỉnh tảo lại trả Quy Nhơn về đúng cái thời tiết vốn có như mọi năm: nóng! Hãy thưởng thức, dại gì lãng phí thứ “của hiếm” này. Bỗng quay quắt với câu thơ Huy Cận:
      “Trời không nắng cũng không mưa
       Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung”

Đợi chờ một ngày sẽ thu

                                       Thủy Linh Lung
Hãy để cho đời những dư âm thi vị!
Thu về giữa mắt phố thênh thang, màu áo thu sao buồn thảm thê quá. Bản forever autumn của Lake of tears với tiếng ghitar acoustic sắc lạnh đã đánh đắm cả lòng em trong đời vội vã. Cái buồn man mác như mặc cả với mùa để đong đầy mắt biếc. Thu mang dư vị sập soài của nắng mưa bất chợt, để thấy lòng mình cũng bộn bề nghĩ suy rối rắm. Phố đông người qua nhưng mấy ai biết thu đã về, bởi họ đã có quá nhiều bận rộn, lo toan cho cuộc sống này. Với những con người ngóng mùa như em thì không cần đến cây cơm nguội vàng, cây bàng đốt đỏ mới là thu, thu như kẻ định cư trong mùa, cứ như nắng mùa đã tắt nhưng lúc nào cũng len lỏi được đến người. Thu buồn có biết không nhỉ!

BIỂU TƯỢNG TRÚC VÀ THI NHÂN

                                                                                          Võ Minh Hải
                                                                  Kính tặng thầy Lê Văn Lợi
          Từ xưa đến nay, màu xanh thẫm của những rừng trúc đã khiến cho không biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ hết lời ca tụng. Thơ phú từ khúc viết về trúc có thể nói là vô số, không thể lượng tả được. Cổ nhân quan niệm: “Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc. Vô nhục sử nhân sấu, vô trúc sử nhân tục寧可食無肉不可居無竹. 無肉使人瘦無竹使人俗” (Có thể ăn mà không cần có thịt nhưng không thể sống mà không có trúc, không có thịt thì chỉ khiến cho người ốm đi, không có trúc khiến cho người trở nên bình thường). Câu nói trên đã khẳng định nhã thú thanh cao thoát tục của văn nhân sĩ đại phu thời trước.
          Trịnh Bản Kiều 鄭板橋 đời Thanh 清代 là người cả đời chỉ vẽ trúc và làm thơ về trúc (vịnh trúc hoạ trúc 詠竹畫竹) và đã để lại khá nhiều hảo thủ giai cú (好首佳句) viết về trúc, trong bài thơ Trúc thạch 竹石, ông viết:
Giảo định thanh sơn bất phóng tùng,
Lập căn nguyên tại phá nham trung.
Cán ma vạn kích hoàn kiên kính,
Nhậm nhĩ đông tây nam bắc phong
咬定青山不放鬆,
立根原在破岩中.
幹磨萬擊還堅勁,
任爾東西南北風”

LAN MAN HẠ VỀ

                                               Lê Văn Lợi
Lấn bấn mãi với những việc không tên, hôm nay mới có một buổi nghỉ trưa mà không liếc xéo đồng hồ. Bất chợt một tia nắng chiếu trực diện xuyên qua cửa. Nắng không vàng, không dịu, không kèm theo cơn gió nồm mát lịm mang hơi nước từ biển thổi vào như dạo mới xuân. Nắng gắt. Cây chiêu liêu trước cửa dồn hết sức bình sinh lên ngọn, nhưng lá vẫn ỉu xìu. Đích thị mùa hạ đã về.
Mang tiếng là ở phố, nhưng nhà tôi nằm dưới chân đồi, đủ không gian và điều kiện để cảm nhận một buổi trưa mùa hạ đầy chất thôn quê giữa chốn thị thành. Có tiếng gà trưa, tiếng cu gáy rền rĩ xa xăm, tiếng chào mào lảnh lót… Tự dưng, mấy câu thơ thời trung học bật lên trong “bộ nhớ” :
  Một buổi trưa không biết ở thời nào,
  Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
  Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ,  (Huy Cận)

Chùm thơ Rong chơi của Vi Ánh Ngọc

Vin vào giấc mơ con
Vin vào giấc mơ con
nồi bánh canh của bà
khói bếp đưa hương
ngan ngát xóm quê nghèo mùa bão lũ
đôi mắt cay ròng thức đủ những sớm hôm.

Khi trời chưa vỡ trái bình minh
bên sương lạnh
mẹ giăng mình bắt con tép con tôm
lam lũ một đời
đôi tay sờn ngai ngái mùi bùn non.

CƠ HỘI

                                Thủy Linh Lung
       Quý tặng thầy Võ Minh Hải
-         Lau nước mắt đi!
Chiếc khăn mùi soa trắng đặt gọn trong tay nó.
-         Tôi không cần ai thương hại hết. Để tôi yên!
Nó hét lên rồi quay lưng bỏ chạy. Nó thấy tủi thân hơn khi người khác thương hại mình. Ngồi bệt xuống bậc tam cấp nhìn ra khu vườn trường đầy màu sắc tươi vui của hoa, của bướm nó thấy sao mọi thứ lố lăng thế, vô duyên thế… chỉ là bởi tâm trạng nó đang rối bời chăng?
-         Khóc lóc thì mọi thứ sẽ được giải quyết à?
Vẫn giọng lạnh lùng ấy:
-         Kệ tôi…
-         Vậy thì bạn chỉ đang tồn tại chứ bạn không hề sống. Nếu khóc mà giải quyết được vấn đề thì bạn cứ khóc đi.
Phong để nó một mình với chiếc khăn tay.

Ngẫu nhiên

                                       Võ Minh Hải dịch
偶然
我是天空里的一片雲
偶爾投影在你的波心
你不必訝异
更旡須歡喜
在轉瞬間消滅了蹤影
你我相逢在黑夜的海上
你有你的,我有我的,方向
你記得也好
最好你忘掉
在這交會時互放的光亮
中華民國 – 1926
徐志摩