Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Mưa nắng, bóng mẹ phủ che (Thủy Linh Lung)


Thi sĩ họ Nguyễn chẳng đã nói “Nắng mưa là bệnh của trời”; mưa, nắng đâu chỉ là những hiện tượng tất yếu của sinh thể tự nhiên, nó còn có nghĩa là những “mưa, nắng” trong cuộc đời này. Vốn dĩ là chuyện riêng tư như thể “tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” vậy thôi, Nhưng chuyện riêng ấy lại không của riêng ai. Như thế, ta thấy mặt lưỡng hợp của mọi vấn đề: giữa riêng - chung, cá nhân - cộng đồng, dân tộc - nhân loại, truyền thống - hiện đại... Theo như triết học Mác-Lênin, đó là mối quan hệ biện chứng giữa các sự vật, hiện tượng. Đó chính là quy luật hiện tồn của cuộc sống.



1.MƯA - NẮNG VẦN VŨ ĐÔI BỜ
Cuộc sống cũng như đời người vốn dĩ là một dòng sông vừa khai thuỷ, chảy trôi theo một dòng không định sẵn. Trên đôi bờ sông ấy, nắng mưa thay nhau vần vũ bốn mùa. Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm nhưng vẫn có những cơn mưa xuân làm tiết trời se lạnh. Dường như, hoá tạo muốn đêm hơi thở lạnh lẽo níu giữ những sắc hương ấy. Hạ đến cùng mùa nắng oi ả, nắng nhuốm vàng những chòm điệp, đổ lửa lên vòm phượng học trò và trượt mình trên chiếc nón lá tinh khôi của người thiếu nữ. Đôi khi trở tính đỏng đảnh, vài cơn mưa hạ rả rích thầm thì với lũ học trò tinh quái. Con gió heo may mang cái lạnh, khô len lỏi vào thu mùa làm nhạt sắc lục nơi màu lá biếc để trong kí ức người chỉ ngập màu vàng thu năm nao. Đông tới cũng là khi lạnh giá đến buốt thịt xương, giá lạnh đến độ ta không còn cảm giác, chỉ mơ hồ là cái rét ngọt cắt vào da thịt. Như thế, bốn mùa chảy trôi trong chuyển luân của nắng, của mưa. Cuộc đời này cũng thế, dọc đường đời là bao bão tố, bao cơn khát, bao trầm luân luôn chực chờ.
Ta sinh ra và lớn lên trong quy luật ấy của đất trời, ta phải đương đầu với nó. Nhưng trước khi ta được xem là một người trưởng thành để đủ sức đương đầu với nắng mưa của cuộc đời, ta đều được chở che bở chiếc bóng yêu thương. Con chim, cái kiến, thân sâu dù là loài vật nhưng chúng cũng được ấp ủ trong sự đùm bọc, thương yêu của đấng sinh thành.  Bác Hồ đã ví von rất hay “trẻ em như búp trên cành”, chồi búp yếu ớt ấy cần được sự chở che, nuôi dưỡng của đất mẹ, của cha trời. Nếu người cha là điểm tựa vững chắc để ta vực mình đứng lên thì người mẹ lại luôn gần gũi, gắn bó như chiếc bóng che chắn cho ta trước sóng gió cuộc đời. Có lẽ vì thế mà người mẹ luôn được ngợi ca và tôn trọng.
“Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng… mấy nắng sớm chiều mưa dầm, chín tháng so chín năm…” những lời ru thấm đượm nỗi lòng người mẹ với chín chữ cù lao. Món nợ sinh thành, chăm bẵm ấy đứa con nào có thể trả hết cho người? Con lớn dần theo câu hát ầu ơ, ví dặm và dòng sữa của mẹ. Lớn khôn rồi nào quên được một phần trong con mà máu mủ của người. Khi tà huy rủ bóng, khi con chim về tổ, con cá về nguồn là lúc lòng người chợt nhớ ta còn một mái nhà nơi ấy có bóng mẹ đợi chờ đứa con về ăn bữa cơm chiều. Tất cả những gì chắt chiu được mẹ đã dành dụm cho con. Những lúc con hỗn láo, không nghe lời bị mẹ la mắng con vẫn ấm ức nhưng đâu hiểu mẹ đang lén lau giọt nước mắt thầm… Ai cũng có mẹ, đó là người ta sở hữu riêng tình yêu thương trọn vẹn nhất. Đó là cánh cò trong ca dao ngàn đời: “Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”. Bị người đời hiểu nhầm cũng được, nhưng đừng làm tổn hại đến tâm hồn thơ ngây của cò con. Hình ảnh ấy chẳng chạm đến thẳm sâu trong đáy lòng mỗi người về đức hy sinh của mẹ đó sao? Đó là một chị Dậu với giọt nước mắt bất lực khi thấy cái Tí phải nhặt những hạt cơm thừa của con chó nhà Nghị Quế. Là gương mặt buồn tủi của mẹ Lê với đàn con nheo nhóc đang khóc tỉ tê trong cái đêm chị ra đi để lại chúng nơi cõi đời ô trọc này. Dù là ở đâu, xứ sở nào ta cũng luôn tìm thấy một mẫu số chung ở những người mẹ, đó là dáng hình hiền từ cùng tình yêu thương ngập tràn dành cho những đứa con. Những người con khoác màu xanh áo lính đã tìm thấy được bóng hình thân thuộc ấy nơi người mẹ hậu phương:
“Mẹ đào hầm từ thưở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
… Lòng mẹ rộng mênh mông”
(Dương Hương Ly)

Nhìn ra thế giới, hình ảnh của người mẹ cũng trở thành biểu tượng với “Người mẹ” của Maksim Gorky. Thế giới sẽ không thể quên người mẹ Phăng-tin sẵn sàng bán tóc, bán răng và bán cả nhân phẩm của mình để nuôi con… Ta trăn trở khi so sánh những người mẹ với nhau làm gì. Bởi mỗi con người có những cách yêu thương khác nhau…

“Nắng”, “mưa”, “bão tố” giữa dòng đời đấy, bóng người phủ che, luôn nhận lấy về mình những gì khó khăn nhất, thiệt thòi nhất. Đó là những người mẹ chân thực nhất với tình yêu thương ta có thể nhìn thấy, sờ thấy và cảm thấy. Vậy mỗi chúng ta hãy tự vấn để có cách sống sao cho xứng đáng, sao cho trọn với niềm yêu thương người trao gửi…

2.TRAO GỬI CÓ MONG NHẬN LẠI BAO GIỜ…
Chữ Hiếu và đạo làm con đã trở thành lời dạy bao đời. Nhưng mấy ai hiểu thấu thế nào là “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Dù có là ai, dù ở đâu thì chiếc bóng với tình yêu thương đong đầy của mẹ luôn vươn ra như cánh tay ôm trọn, bảo vệ, che chở và mang tình yêu thương con. Hình ảnh một em bé mồ côi vạch những đường phấn lên vỉa hè. Theo tay em, hình ảnh của một người phụ nữ hiện lên, em cuộn mình nằm gọn vào hình vẽ ấy. Thế đấy, dù không còn trên thế gian nhưng người mẹ vẫn mang hơi ấm đến cho đứa con của mình. Một người phụ nữ sinh con ra, cô bỏ con mình trước một nhà thờ và ra đi biệt tích. 30 năm sau, một người sư thầy đến tìm cô và hỏi về đứa con năm xưa. Cô khóc trong tiếng gọi mẹ của vị sư thầy ấy. Những con người ấy, chẳng đang có cuộc sống tốt sao, họ phải nhớ tới người đã bỏ rơi họ, đánh đổi cả cuộc đời họ để đi tìm kẻ đã bỏ rơi họ làm gì? Giản đơn một điều, vì mẹ là mẹ của con. Ở phương trời nào giữa hai người vẫn bị ràng buộc bởi sợi dây hoá công đã thắt buộc.
Chiếc bóng của mẹ rộng lớn lắm, phủ đầy trái tim con những yêu thương, chở che cho con trên con đường đầy sóng gió. Vậy ngại ngùng gì khi ta trao một lời yêu thương cho người “Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”. Người ta vẫn thường bảo cho đi để rồi nhận lại nhưng với mẹ sự cho đi có mong nhận bao giờ. Cái riêng như đã trở thành cái chung từ lâu, ai cũng yêu quý con mình, muốn cho con mình được hạnh phúc, vui vẻ. Bao người chỉ trích bà mẹ ghẻ trong truyện cổ tích “Tấm Cám” là độc ác, là xảo trá. Nhưng nếu ta là người mẹ ấy, liệu rằng, ta có làm tất cả cho con mình – Cám, hạnh phúc hay không? Vậy thì người mẹ ấy chỉ là đáng thương nhiều hơn đáng trách mà thôi. Những người mẹ, chỉ là người trao gửi cả cuộc đời chẳng mong nhận lại gì, chỉ mong thấy hình ảnh con mình thành công, vui vẻ, hạnh phúc.
Xã hội ngày càng tiến bộ, những người phụ nữ đã tự tin làm chủ cuộc sống với những ước mơ và hoài bão. Theo xu hướng Tây hoá, trách nhiệm của họ với gia đình cũng dần bị mờ nhạt đi. Quan niệm ấy có phần sai lầm. Dù hoàn cảnh nào, xã hội nào thì người phụ nữ vẫn gắn với hai chữ “thiên chức” và chính hai chữ ấy ràng buộc họ với trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận của người mẹ. Trước khi là một giám đốc, một doanh nhân thành đạt, mỗi người phụ nữ đều là con người mang thiên chức cao cả của tạo hoá như nắng mưa là một sự hiển nhiên của đất trời vậy. Tình mẫu tử thiêng liêng, vẫn sẽ mãi được ngợi ca, trân trọng nếu trên đời vẫn còn những đứa con, vẫn còn những người mẹ sinh thành, nuôi dưỡng… Trân trọng nhé, nếu ta là một đứa con, một người mẹ.
Thủy Linh Lung

Không có nhận xét nào: