Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

VỀ CHỮ NHÂN 仁 TRONG TƯ TƯỞNG CỦA KHỔNG TỬ

                                                                                             Võ Minh Hải
Khổng Tử 孔 子 tên Khâu 丘, tự là Trọng Ni 仲 尼, sinh ngày 1 tháng 11 năm Canh Tuất 庚 戌 (551 TTL) đời Chu Linh Vương 周 靈 王 năm thứ 21 và Lỗ Tương Công 魯 襄 公 năm thứ 22 tại ấp Tu, làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ (thuộc phía nam tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc). Những chi tiết kỹ càng hơn cả về đời sống của ngài là tiểu sử được chép trong quyển XLVII bộ Sử ký 史 記 của Tư Mã Thiên 司 馬 遷.
Khổng tử là người sáng lập ra đạo Nho mà giới nghiên cứu tư tưởng phương Tây gọi là phái Khổng học. Ông là danh sư có ảnh hưởng rất lớn và – điều này mới là điều trọng yếu và duy nhất – là nhà giáo lập trường tư đầu tiên trong lịch sử trung Quốc. Bình sinh, Khổng tử luôn nêu cao tư tưởng Nhân nghĩa, đặc biệt là đức Nhân. Đó là hạt nhân nòng cốt, là con đường đưa ông trở về với nhân bản, với tinh thần nhân văn sâu sắc của văn hoá Trung Hoa, một đặc điểm xuyên suốt trong hệ thống tư tưởng và đó cũng là một yếu tố khẳng định sự trường cửu của tư tưởng Khổng tử qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển.
1. Quan niệm về Nhân trong triết học Trung Hoa và Khổng Tử
1.1 Nhân 仁 – Khái niệm bao trùm các quan niệm đạo đức khác
Trong xã hội loạn lạc, Khổng tử cho rằng dân cần điều nhân hơn cả cần cứu khỏi hỏa tai, nước lũ, điều này có nghĩa là điều nhân phải thực hiên từ trên xuống dưới. Nhân là một thuộc tính quan trọng của người quân tử, quân tử không có đức nhân thì không còn là người quân tử nữa. Vì thế khi đánh giá về mặt đạo đức của côn người Khổng Tử cho rằng, quân tử có lúc không “nhân” nhưng tiểu nhân thì không bao giờ “nhân” cả. Bởi lẽ, tiểu nhân trong quan niệm của Đức Khổng, đó không chỉ là thứ dân trong mối quan hệ với tầng lớp thống trị mà đó còn là những kẻ không có nhân cách, vô đạo đức. Nhân bao gồm: Đức 德, Trí 智, Dũng 勇, Thành 誠, Mẫn 敏, Tuệ 慧. Để thực hành điều nhân, người quân tử phải hội tụ đủ những yếu tố đó. Người làm điều nhân phải cung khiêm, trung tín, thận hành, cẩn ngôn. Công phu ấy có được phải qua tu dưỡng và có tính chất hướng nội, không lo buồn, chủ tĩnh, an bần lạc đạo.
1.2 Nhân là trung thứ 中 恕 và hiếu đễ 孝 悌 là gốc của nhân
Thi hành nhân tức là trọng kẻ khác. Đó là phương diện tích cực trong thi hành mà Khổng tử gọi là “Trung ” hay tính ngay thẳng đối với kẻ khác và chính bản thân mình, gọi là “thứ” hay lòng vị tha. Trung thứ là nguyên lý quán xuyến, đạt đạo của đức Khổng và là cái quan trọng suốt đời ngài tuân theo. Trung thứ, đối với Khổng tử phải được xác lập trên sự phân biệt giữa nhân人 và kỷ 己, tức là kẻ khác và ta. Đó là mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và được quy định bởi Lễ.
Lấy hiếu làm gốc cho nhân, là lấy tôn tộc làm cơ sở cho xã hội, nhằm mục đích chính trị rõ rệt. “Quân tử hết lòng với cha mẹ thì dân theo điều nhân” (Luận ngữ 論 語). Hiếu 孝 ở thời Tây Chu 西 周 là sự trung thành trong tôn tộc, là yếu tố tạo nên sự đoàn kết tôn tộc để thống trị. Nhưng đối với Khổng tử, khái niệm Hiếu là một hình thức đặc thù, một biểu hiện cao đẹp của khái niệm nhân. Dân hiếu ít sinh loạn, con hiếu ít sinh tệ, hiếu đễ làm cho con người được phân biệt với cầm thú, xã hội an định, gia đạo hài hòa, thúc đẩy con người vươn đến điều nhân. Tuy nhiên, lấy hiếu để giáo dục dân, khiến dân tuân theo và dễ cai trị là một quan điểm chính trị khá phiến diện của Khổng phu tử, song xét về mặt xã hội thì những ưu điểm của hiếu đã vượt ra khỏi bản thân nó, làm cho con người biết tiết dục, kính thiên, tôn quân, thủ lễ, sự phụ mẫu.
1.3 “Khắc kỷ phục lễ vi nhân 剋 己 復 禮 為 仁”.
Trong quan niệm giáo dục của Khổng tử, tuy theo từng cá tính mà ngài có phương pháp giáo huấn thích hợp. Song vượt lên trên tất cả, để thiên hạ được ổn định, được chính danh, được theo mệnh, theo Khổng tử phải trở về với Lễ và đó chính là nhân. Nhân phải được ước thúc, quy định bởi lễ. Theo Khổng phu tử, lễ đặt con người vào quan hệ tôn tộc theo thứ bậc, đặt con người vào quan hệ đẳng cấp. Lễ là con đường, là mục đích vươn đến và khả năng hiện thực hóa điều nhân, đưa xã hội từ xã hội Tiểu Khang 小 康 vươn đến xã hội Đại Đồng 大同.
Trong Luận ngữ, Khổng tử không nói đến nhân dục – một tính chất khá quan trọng của tư cách tự nhiên của con người. Bởi lẽ, dục vọng đưa con người đi đến chỗ ham phú quý, mê danh lợi mà bỏ mất đichánh kỷ 正 己 của mình, trong xã hội có giai tầng, con người phải giữ cho hợp “nghĩa 義”, phải theo “lễ 禮”. Với Khổng tử, con người chỉ được thực hiện những gì mà lễ cho phép, nghĩa là phải điều hòa giữa nhân dục và lễ. Khổng tử chủ trương kẻ sĩ quân tử “ưu đạo bất ưu bần憂 道 不 憂 貧”, thấy lợi thì phải nghĩ đến nghĩa, ông phản đối Tử Cống buôn bán, Nhiễm Hữu làm lợi cho họ Quý Thị, ca tụng Nhan Hồi nghèo mà giữ được Lễ.
Dục vọng cá nhân là những đòi hỏi của chính bản thân nên phải khắc kỷ. Khắc kỷ là kiềm chế, là tiết dục. Do đó, ông khuyến cáo: “Đừng nhìn cái phi lễ, đừng nghe cái phi lễ, đừng nói cái phi lễ, đừng làm cái phi lễ” (Luận ngữ). Lời khuyến cáo này bao hàm cả mục đích, con đường và khả năng thực hiện điều nhân. Là con người tự nhiên, nghe gợi dục vọng, dục vọng đưa đến nói và làm, dục vọng đẩy con người ta đến chỗ ham phú quý, sung sướng, nhưng con người là thành viên của xã hội, phải giữ mình sao cho hợp với nghĩa 義, tuân theo Lễ. Rõ ràng trong tư tưởng của mình, Khổng tử không phủ nhận nhân dục, nhưng nhân dục ấy phải được quy ước, câu thúc bởi lễ, tức là được thừa nhận trong phạm vi của lễ.
Khắc kỷ phục lễ là hành trình thiện hóa con người. Nhân là nội dung của lễ, lễ là hình thức, là biểu hiện của nhân. Sự tương hỗ ấy đã đẩy quá trình tìm hiểu khẳng định bản chất con người, khám phá về con người đạt đến những điểm mới mà các triết gia trước thời Khổng tử chưa có được.
2. Nhân – Học thuyết về “đạo của người quân tử” của Khổng Tử
2.1 Nhân – nguyên tắc hành đạo của người quan tử
Khảo chứng về chữ Nhân, Sách Thuyết văn 說 文 (Hứa Thận)viết:“Nhân, thân dã, tùng nhân nhị 人 親 也, 從 人 二”(Nhân là gần gũi giữa người và người), sách Trung dung 中 庸 viết :”Nhân giả, nhân dã 仁 者 人 也”(Nhân là người). Đối với Khổng Tử, để mọi việc đi vào chuẩn mực, duy trì những nguyên tắc hành đạo, Khổng tử đã đề ra nguyên lý cao nhất, khái quát nhất, là trung tâm của học thuyết của ông: Nhân.
Trong Luận ngữ, Khổng tử có 58 chỗ đề cập đến quan niệm về Nhânvới cả thảy là 109 chữ Nhân. Luận ngữ không định nghĩa Nhân một cách rõ ràng như ở nơi khác. Học thuyết nhân, nội dung cốt lõi của tư tưởng Khổng tử, chủ yếu đề cập đến quan hệ giữa người với người. Khổng tử quan niệm mối quan hệ giữa người và người phải dựa trên cơ sở tình thương. Tình thương còn được gọi là lòng nhân ái, nhân đạo. Khái niệm Nhân của Khổng tử được củng cố trên nền tảng của đạo đức. Nhân hay nhân đạo trong quan niệm của Khổng tử được xây dựng trên hai nguyên tắc:
- Nguyên tắc thứ nhất là “cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân 己 所 不 欲 勿 施 於 人- Nhan Uyên 顏 淵).
- Nguyên tắc thứ hai là “ mình muốn đứng vững thì làm cho người ta đứng vững, mình muốn công việc của mình được thành đạt thì cũng làm cho công việc của người khác thành đạt” (Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân 己 欲 立 而 立 人 己 欲 達 而 達 人 - Ung dã 雍 也)
2.2 Trung dung – hành trình vươn đến chí đức, cực thiện
Hệ thống lý luận của Đại học大 學, Trung dung 中 庸, tuy đặt trên một xã hội thực dụng những cũng không dìm cá nhân trong đoàn thể như triết lý mà nhiều tác phẩm kinh điển của triết học Trung Hoa đã đề cao. Sự thật, Khổng phu tử không phải vì quá đề cao Trung dung mà quên đi địa vị cá nhân. Tôn sùng lương thức, sự hợp tình lý, đó là điểm căn bản trong chủ nghĩa nhân văn của đạo Khổng.
Trung là không “thái quá”, “bất cập”, dung là bình thường.Trung dung là điều hòa, chống quá và bất cập để đạt đến sự hài hòa tuyệt đối. Hòa là biểu hiện của trạng thái văn và chất phù hợp với nhau (Văn chất bân bân 文 質 彬 彬).
Trung dung là điểm tựa để điều tiết cuộc sống, là minh triết để bảo thân, là cội nguồn của tư tưởng ôn hòa, giữ lấy trạng thái cân bằng của sự sống. Trung dung trong tư tưởng Khổng tử không phải là cố chấp (vô cố), nó phải có điều kiện xuất phát là kiên định. Trung dung là tránh “hòa để hòa”, lấy “nghĩa” làm “chất”, “lễ” làm “văn”.
3. “Nhân” với hành trình nhân bản hoá tư tưởng của Khổng tử
3.1 Vai trò của “Nhân” trong sự vận động từ thần bản đến nhân bản của triết học Trung Hoa
Trên đây, chúng ta đã bàn về nhân và những biểu hiện cụ thể của nó trong triết học Khổng tử và Nho gia sơ kỳ. Bản thân Khổng tử, khi bàn về tự nhiên, ông cũng có quan điểm không dứt khoát “Quỷ thần kính nhi viễn chi 鬼 神 敬 而 遠 之”, nhưng đó cũng chỉ là những ảnh hưởng của thời đại mà ông đang sống, con người không thể không nói đến những điều ấy, tuy vậy điều vĩ đại ở Không tử là ở chỗ ngài không quá sa đà vào bản thể tự nhiên như Lão Trang mà ngài đã hướng sở học của mình vào việc tìm hiểu những vấn đề xã hội, nhưng vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống chính trị, đời sống con người. Trên lập trường của Nhân, Khổng tử đã nêu cao tư tưởng nhân trị, đề cao lễ, đưa xã hội từ loạn đến trị (dẫu rằng ở thời đại ông nó chỉ tồn tại về mặt lý thuyết), nhưng công lao của đức Khổng được khẳng định bởi từ trong nội tại của quan điểm xã hội, chính trị ông đã làm cho con người với những thuộc tính vốn của nó được khẳng định hơn và trở thành đối tượng của triết học theo đúng nghĩa của nó.
Trong thực tiễn tư tưởng của Khổng phu tử, ý niệm “nghĩa” có phần thiên về hình thức, ý niệm nhân mới có tính chất cụ thể và có những ảnh hưởng to lớn đến đời sống con người, đưa con người nói chung và tầng lớp trí thức nói riêng trở về với bản tính tự nhiên, trách nhiệm và bổn phận của mình đối với xã hội, cái “ta phải làm” và ta phải làm hết những bổn phận và trách nhiệm ấy. Nhưng bản tính thực chất của những bổn phận kia là “thương người”, tức là “nhân”, nhân có thể hiểu là “toàn đức” (chữ dùng của Phùng Hữu Lan). Giá trị thiết thực của nó đối với đương thời hết sức to lớn, “đề cao chữ nhân là có ý nghĩa tích cực, mang tính nhân bản…” (GS Đặng Đức Siêu). Gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, việc đề cao lý tưởng của Nhân cùng với những biểu hiện cụ thể của nó đã đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt của triết học Nho gia sơ kỳ trên con đường từ thần bản đến nhân bản của triết học Trung Hoa cổ đại, khẳng định bản chất xã hội sâu rộng và tính chất đạo đức cao khiết của tư tưởng Khổng Tử trong tiến trình phát triển của lịch sử triết học Trung Hoa.
3.2 Nhân với chủ trương đức trị và thứ, phú, giáo của Khổng Tử
Về mặt chính trị, quan điểm cơ bản của ngài là đề cao đức trị. Đó không chỉ là sự đề cao lễ giáo mà còn đề cập đến quá trình khẳng định tính toàn mỹ trong nhân cách của con người mà hạt nhân của nó là nhân văn, tính nhân đạo và từ đó đi đến quá trình khám và nhìn nhận hành vi của con người. Con người tồn tại trong xã hội sẽ phải tuân thủ theo một số quy định nào đó, tức là phải theo pháp chế, luật định. Chủ trương đức trị của Khổng Tử mà cốt lõi của nó là tính nhân văn, tinh thần nhân đạo đã tạo ra được những cú hích vĩ đại trên con đường đi tìm cái “mỹ đức” (chữ dùng của Thẩm Thanh Tùng). Khổng Tử đề cao đức hạnh của người cai trị nhưng cũng “hướng về đức hạnh để xem xét nghĩa vụ, để rèn đúc đức hạnh thì phải có nghĩa vụ đạo đức cần thiết” [8;73].
Bên cạnh chủ trương đức trị, Khổng Phu Tử còn quan tâm đến “thứ 庶, phú 富, giáo 教” (Luận Ngữ – Tử Lộ 子 路)[ 2; 202]. Ngài cho rằng “làm chính sự bằng đức ví như sao Bắc Thần cứ đứng nguyên một chỗ mà các sao khác phải hướng về…” (Vi chính dĩ đức, thí như Bắc Thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi 為 政 以 德 譬 如 北 臣 居 其 所 而 眾 星 拱 之 )(Luận Ngữ – Vi Chính 為 政) [2; 14]. Người nắm giữ chính quyền không chỉ làm cho dân thêm đông đúc (tức Thứ) mà phải còn làm cho dân giàu có (tức Phú) và cuối cùng là phải dạy dỗ họ (tức Giáo). Dạy cho dân biết liêm sỉ, biết hiếu trung, biết nhân nghĩa, biết khắc kỷ. Aáy là hướng đến điều nhân vậy.
“Chủ trương đức trị và lễ giáo, một mặt nhằm ổn định trật tự xã hội, thuần hoá dân chúng, mặt khác nhằm phản đối chính sự hà khắc, tàn bạo” [9; 145-146]. Đồng thời, quan niệm này cũng đã đề cập đến tư tưởng dân bản, một chủ trương tích cực của Đức Khổng trong diễn trình phát triển minh triết Trung Hoa. Và trong giới hạn của lịch sử, Khổng Tử đã vượt qua chính mình và đặt những viên gạch đầu tiên cho các học thuyết chính trị, đạo đức của hậu nho.
Khổng Tử bàn về điều nhân trong một bối cảnh xã hội nhà Chu 周 đang suy thoái, lễ nhạc đảo điên, điển chương băng hoại. Nghiên cứu hệ thống triết học của Khổng tử từ góc độ chữ Nhân, chúng ta có thể lý giải được nhiều vấn đề cốt lõi mà bản thân nó đã đặt ra, đặc biệt là vai trò của nhân trong quá trình thúc đẩy sự vận động hợp lý từ thần bản đến nhân bản của tư tưởng triết học Trung Hoa và những đóng góp to lớn của Khổng Tử. Chúng ta không nên tìm ở Khổng Tử một triết hệ, tức là một hệ thống toàn thể mạch lạc bao gồm nhiều quan điểm, nhưng bao quát và nổi trội hơn cả trong tư tưởng của ngài là một nhu cầu trở về với những lý tưởng nhân bản, thông qua lễ, khẳng định bằng ngũ thường, nêu cao bằng những phẩm chất cần có của bậc quân tử, quan điểm Nhân cùng với những đặc điểm và biểu hiện của nó như một cú hích vĩ đại đưa Khổng tử đến với triết học con người – lý tưởng nhân bản, đánh dấu một sự trưởng thành mới trong diễn trình phát triển của minh triết Trung Hoa.
                                                                                                          V.M.H