Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

NỘI HÀM CỦA KHÁI NIỆM “TỰ BẢN VỊ”

                                                           GS.Trương Bằng Bằng (Trung Quốc)
                                                                       Võ Minh Hải dịch chú
1. Tự bản vị 字 本 位 (vị trí gốc của chữ) là một khái niệm đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, thậm chí đã xuất hiện những chuyên gia, công trình chuyên nghiên cứu về nó [“Tự bản vị dữ Hán ngữ nghiên cứu字 本 位 与 汉 语 研究”, Phan Văn Quốc 潘 文 国, Hoa Đông sư phạm đại học xuất bản xã 華東師范出版社, 2002; “Tự字”, Bạch Lạc Tang 白乐桑, Trương Minh Minh 张明明, Pháp quốc La Compagnie xuất bản xã, 1989; “Thế giới Hán ngữ giáo học世 界 汉 语 教 学, 1992 niên, đệ tam kỳ]. Song, có rất nhiều nhà nghiên cứu khác nhau đã có những quan điểm khác nhau về nội hàm của khái niệm trên. Trong bài viết này, chúng tôi (Trương Bằng Bằng – ND chú) cũng mạn phép trình bày cách hiểu của chúng tôi về khái niệm đã nêu.
Khái niệm Tự bản vị được chúng tôi  sử dụng trong một công trình giáo khoa trung văn đã xuất bản tại Pháp. Năm 1990, sau khi từ Pháp trở về nước, chúng tôi đã viết một tiểu luận “Từ bản vị giáo học pháp hòa Tự bản vị giáo học pháp đích tỷ giảo 词本 位 教 学 法 和 字 本 位 教 学 法 的 比 较” (So sánh phương pháp dạy học Từ bản vị và Tự bản vị) để công bố trên Thế giới Hán ngữ giáo học 世 界 汉 语 教 学, nhưng lúc đó toàn văn của bản báo cáo không được in nguyên văn mà lại có sự thay đổi, nguyên nhân là do Tổng Biên tập không đồng ý phương pháp “Dĩ tự cấu từ 以 字 构 词” (Lấy tự để cấu tạo nên từ) của chúng tôi. Theo ý kiến của tổng biên tập, từ là đơn vị ngôn ngữ, tự là đơn vị văn tự, cấu tạo nên từ phải là đơn vị ngôn ngữ, không thể là đơn vị văn tự, do đó đã thay đổi toàn bộ văn bản tiểu luận của chúng tôi và chuyển thành phương thức “Hán tự đại biểu ngữ tố 汉 字 代 表 语 素” (Ngữ tố tiêu biểu của chữ Hán). Do đó có thể nói rằng, bài báo đó không hoàn toàn đại diện cho quan điểm của chúng tôi.
Chúng tôi cho rằng tự字 có ý nghĩa chỉ thực thể cụ thể của Hán tự, ý nghĩa của “bản vị 本 位” là “hệ thống Hán tự lấy thực thể cụ thể làm thành đơn vị cơ bản” (Hán tự hệ thống dĩ cụ thể thực thể tác vi cơ bản đơn vị 汉 字 系 统 以 具 体 实 体 作 为 基 本 单 位).
Quan điểm tự bản vị của chúng tôi có nguồn gốc từ quan điểm văn tự ngôn ngữ của bản thân. Chúng tôi cho rằng, từ góc độ ký hiệu mà xem xét, văn tự không phải là cái đại diện và biểu hiện cho ngôn ngữ, không phải là ký hiệu dùng để ghi chép ngôn ngữ. Ngôn ngữ và văn tự là hai dạng có những đặc trưng khu biệt về bản chất, là hệ thống ký hiệu tương đối độc lập, ngôn ngữ thuộc về thính giác, văn tự thuộc về thị giác. Bản chất của văn tự là tự hình, bản chất của ngôn ngữ là ngữ âm, văn tự lấy hình thức để diễn đạt ý nghĩa (dĩ hình thị nghĩa 以 形 示 义 - lấy hình thức bên ngoài để biểu thị nghĩa), còn ngôn ngữ thì lấy âm thanh để biểu đạt ý nghĩa (dĩ âm thị nghĩa以 音 示 义  - lấy âm thanh để biểu thị nghĩa). Vì vậy, ngôn ngữ và văn tự có mối liên hệ với nhau. Khái niệm “Tự âm字音” là trung giới trong mối liên hệ giữa văn tự và ngôn ngữ, ngôn ngữ và văn tự thông qua khái niệm trung giới là tự âm có thể tiến hành sự chuyển hóa, tác dụng lẫn nhau. Từ góc độ giao tiếp, ngôn ngữ và văn tự đều là những công cụ giao tiếp khác không tương đồng nhau, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp khẩu ngữ, văn tự là công cụ giao tiếp ghi chép. Từ góc độ năng lực, ngôn ngữ văn tự là hai dạng năng lực không giống nhau của con người, ngôn ngữ là năng lực nghe nói, văn tự là năng lực đọc viết.
Căn cứ vào quan niệm ngôn ngữ, văn tự của chúng tôi, Tự bản vị là một dạng quan điểm để xem xét hệ thống văn tự, không phải là quan điểm để xem xét hệ thống ngôn ngữ. Ngôn ngữ có những đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, trong nghiên cứu ngôn ngữ không tồn tại vấn đề Tự bản vị.
2. Từ góc độ ký hiệu, văn tự文 字là một dạng hệ thống ký hiệu thị giác độc lập lấy hình thức để biểu đạt ý nghĩa. Văn tự và ngôn ngữ không giống nhau, ngôn ngữ là cái được sản sinh tự nhiên trong quá trình tiến hóa của nhân loại, trong khi đó văn tự là sự sáng tạo có ý thức trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người. Thực thể của ngôn ngữ và văn tự không giống nhau, thực thể cụ thể của ngôn ngữ là thính giác, không dễ xác định, nhưng thực thể cụ thể của văn tự là thị giác, là cái rất dễ xác định. Thực thể cụ thể của văn tự bị gián cách, phân chia rõ ràng trong văn chương, những cái thực thể cụ thể được phân chia chính là những đơn vị cụ thể của hệ thống văn tự, toàn bộ hệ thống văn tự đều lấy những thực thể cụ thể để làm đơn vị. Nhà nghiên cứu Tố Tự Nhĩ (素绪尔, tức F.D. Saussure – ND chú) trong quá trình nghiên cứu ngôn ngữ đã cho rằng “giới hạn để phân chia đơn vị ngôn ngữ là một vấn đề vô cùng vi diệu. Thậm chí khiến người khác có thể hoài nghi chúng có thực là đã xác định rồi chưa...” [Tố Tự Nhĩ (素绪尔), Phổ thông ngữ ngôn học giáo trình (普通 语言学教程 – tức Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương – ND chú)]. Ông ấy lại cho rằng “do không thể trực tiếp năm giữ được đơn vị hoặc thực thể cụ thể của ngôn ngữ, chúng ta sẽ lấy (cái trong văn tự) từ làm tài liệu để tiến hành nghiên cứu...” [Tlđd]. Từ góc độ nghiên cứu văn tự mà nói, lấy thực thể văn tự làm đơn vị cơ bản, Tố Tự Nhĩ đã không sai, nhưng sự ngộ nhận của ông ta là ở chỗ đã lấy phương pháp nghiên cứu văn tự thay ngôn ngữ, sai lầm của ông ta là xem “ngôn ngữ có một loại không dựa vào truyền thống truyền đạt bằng miệng và tai của văn tự...” , “ngôn ngữ thì phát triển không ngừng, nhưng văn tự ngược lại có khuynh hướng chững lại, để rồi sau đó cách viết chữ cuối cùng đã biến thành cái không phù hợp với những ý niệm mà nó muốn biểu đạt”, “văn tự đã che đậy diện mạo của ngôn ngữ, văn tự không phải là một bộ quần áo mà là một bộ giả trang...”, ông ấy vẫn kiên trì luận điểm “văn tự biểu hiện ngôn ngữ”, và cho rằng “do (cái trong văn tự) nguyên lý dẫn xuất của từ đối với toàn bộ (ngôn ngữ) thực thể cũng là cái hữu hiệu đồng dạng” [Tlđd].
Thực thể cụ thể để phiên âm văn tự là “Từ词” (tiếng Anh là Word), cho nên đã lấy từ để làm đơn vị cơ bản của văn tự. Thực thể cụ thể của chữ Hán là “Tự 字”, cho nên lấy lấy tự làm đơn vị cơ bản của chữ Hán. Có thể nói, “Từ bản vị” trong phiên âm văn tự và Hán tự “Tự bản vị” chỉ là cách gọi không giống nhau, nội hàm của nó giống nhau, đều là lấy thực thể cụ thể của văn tự làm đơn vị cơ bản, nếu như dùng “tự” biểu thị thực thể cụ thể của văn tự thì toàn bộ hệ thống văn tự đều là “tự bản vị” vậy.
3. Từ góc độ giao tiếp, văn tự là công cụ giao tiếp bằng ghi chép. Chữ Hán đã có lịch sử lâu đời, tổ tiên của người Trung Quốc trong một thời gian dài của tiến trình lịch sử đã sáng tạo ra hai loại văn thể không tương đồng nhau, một loại là văn ngôn文 言, đây là hình thức của văn chương và cổ văn. Một loại là bạch thoại 白 话, đây chính là dạng hình thức tiếp cận của văn nói và khẩu ngữ. Hai dạng văn thể và tình huống sử dụng đã được duy trì cho đến hiện tại. Ngày nay, chúng ta tuy đã học bạch thoại nhưng vẫn có thể đọc hiểu được những văn bản cổ văn của hơn hai ngàn năm trước. Ngôn ngữ và văn tự đều không thống nhất với nhau; giao tiếp với những người không cùng phương ngôn tuy ngôn ngữ không thông nhưng có thể sử dụng đồng thời một dạng văn tự để viết hoặc trao đổi trong quá trình giao tiếp (bút đàm); nói không cùng ngôn ngữ nhưng viết thì chung một thứ chữ.
Vì sao đất nước chúng ta (tức Trung Quốc) có hai loại văn thể không tương đồng nhau vậy? Bởi vì văn thể 文 体là thể tài của văn chương, là hình thức của văn chương, sự không tương đồng trong văn thể là những thực thể cụ thể của văn tự được sử dụng không tương đồng nhau, cho nên chỉ cần không cải biến thực thể cụ thể của văn tự, sử dụng một loại thực thể cụ thể để biểu đạt hình thức của ý nghĩa là cái có thể thay đổi. Văn ngôn và bạch thoại đều là là sử dụng thực thể cụ thể của chữ Hán để viết thành, đều là Tự bản vị, thực thể cụ thể của chữ Hán là giống nhau. Chỉ khi sử dụng Tự là không hoàn toàn tương đồng, vì thế người ta có thể sử dụng cả hai loại văn thể này để viết văn chương, sách vở.
Vì sao ở Trung Quốc, nói không đồng ngữ nhưng lại viết cùng một văn tự? Vì bản chất của văn tự là “tự hình 字 形”, “tự âm字 音” chỉ là trung giới trong mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn tự. Tự âm tùy theo ngữ âm mà biến đổi, nhưng tự hình có thể không thay đổi, chỉ cần tự hình không tiện, tự âm đã thay đổi rồi, không ảnh hưởng đến những lý giải về tự nghĩa của con người.  Do văn ngôn và bạch thoại đều là “tự bản vị”, tự hình có thể cùng với các ngôn ngữ phương ngôn 方 言thiết lập được mối liên hệ. Bởi thế, hai loại văn thể này đều có khả năng không chịu sự ảnh hưởng của phương ngôn và có những công năng siêu việt hơn phương ngôn.
Vì sao ngày nay người ta vẫn còn học tập và sử dụng văn ngôn? Ngôn ngữ và văn tự có thể không thống nhất? Bởi vì văn tự không thể ghi âm lại ngôn ngữ được, văn tự là một loại hệ thống ký hiệu khác để biểu đạt ý nghĩa. Văn tự được sinh ra từ rất sớm, nó và sự phát triển của ngôn ngữ có sự độc lập tương đối và không đồng bộ, tùy theo sự phát triển của ngôn ngữ, vì thế ngôn ngữ và văn tự chắc chắn sẽ không thống nhất với nhau. Ngôn ngữ được phát ra và lưu chuyển thành dòng, còn văn tự có thể được lưu truyền mọi lúc, mọi nơi. Văn tự là công cụ ghi chép, cũng là vật thể quan trọng của văn hóa. Chữ Hán không phải là loại văn tự ghi âm, cũng không phải là cái được căn cứ vào ngữ âm mà tạo thành, nó là cái được phát triển từ loại văn tự tượng hình từ thời cổ đại, cho nên hình thức văn tự của chữ Hán và ngôn ngữ của các thời kỳ lịch sử khác nhau đã kiến lập được mối liên hệ cơ bản, điều đó khiến cho hình thức của văn tự Hán có thể không chấp nhận sự ảnh hưởng của quá trình biến thiên, cải biến ngôn ngữ của nhân loại và vẫn có tác dụng từ xưa cho đến nay. Các bậc tiền nhân của chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng văn tự đã trở thành một yếu tố quan trọng trong lưu giữ văn hóa, sùng bái, học tập Thi kinh (诗 经), Sở từ (楚 辞), Luận ngữ (论 语), các bộ điển tịch cổ đại từ thời kỳ Tiên Tần (先 秦 时 期) và đã lấy văn tự làm thành một đối tượng, một bộ môn để nghiên cứu. Như vậy, các bậc tiền nhân của chúng ta đã coi trọng việc nghiên cứu về văn tự, giúp cho việc lưu truyền phần lớn các điển tịch quan trọng từ thời xã xưa đến ngày hôm nay, giúp cho những truyền thống văn hóa mới không bị mai một, đứt đoạn. Cổ văn 古 文 là tự bản vị, văn ngôn văn là một dạng văn thể được sản sinh tự nhiên trong quá trình học tập và sử dụng cổ văn. Điều này có được là do tiền nhân của chúng ta đã xem văn ngôn là một loại văn thể chính thức, từ đó mới có thi诗, từ词, ca歌, phú 賦...đại đa số đều lấy văn ngôn văn để làm vật ghi chép lại văn hiến lịch sử, di sản văn hóa, mới góp phần sản sinh ra những danh nhân văn hóa, văn học nổi tiếng thế giới. Nếu như Trung Quốc không có cổ văn thì không có tư tưởng Nho gia (儒家), không có văn văn ngôn thì truyền thống văn hóa cũng không thể nào được lưu truyền đến ngày nay, cũng có thể nói, đặc điểm cơ bản của lịch sử văn minh cổ đại Trung Quốc là lịch sử ghi chép bằng bằng cổ văn hoặc văn ngôn văn. Nếu phủ định địa vị lịch sử của văn văn ngôn cũng có nghĩa là phủ định lịch sử văn minh mấy ngàn năm của Trung Hoa. Do đó, ở Trung Quốc, ngôn và văn không thống nhất với nhau cũng là điều dễ thấy. Ngày nay, văn ngôn không chỉ được tiếp tục học tập và sử dụng mà còn không thể nào phế bỏ trong tương lai, vì nếu phế bỏ văn ngôn thì cũng có nghĩa là phế bỏ di sản văn hóa ưu tú còn được lưu truyền lại của thời kỳ cổ đại Trung Hoa, cũng có nghĩa là loại trừ những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Ai cũng biết rằng, truyền thống văn hóa là linh hồn của dân tộc, linh hồn của dân tộc thì mãi mãi không thể nào bỏ đi được.
Vì sao văn ngôn và bạch thoại là hai loại văn thể được sử dụng song song. Bởi vì sử dụng được văn văn ngôn thì có thể đọc thông cả cổ kim, nhưng văn văn ngôn khi đọc lên thì không hoàn toàn thống nhất với bạch thoại, mọi người không dễ học tập và sử dụng, vì thế những bậc tiền nhân ngày trước, về những đặc điểm cơ sở của văn ngôn văn đã không chấp nhận những ảnh hưởng ngôn ngữ của những thời kỳ khác nhau trong lịch sử, sử dụng thực thể chữ Hán thống nhất để tạo nên một cách đọc so sánh, tiếp cận với văn thể khẩu ngữ của con người. Ngoài ra, văn ngôn văn là một bộ môn học tập quan trọng còn năng lực nghe, nói của ngôn ngữ là một cái tự nhiên hình thành. Học văn ngôn văn, học viết chữ, đem cái ngôn ngữ khẩu ngữ chuyển hóa thành văn bạch thoại rất dễ dàng. Bởi lẽ, học văn ngôn là nhất cử lưỡng đắc 一 举 两 得 (một công đôi việc), vùa có thể viết loại văn ngôn vừa có thể sử dụng được bạch thoại. Văn ngôn thì tinh luyện cao nhã, bạch thoại thì thông tục dễ hiểu, phổ biến. Vì thế nhà văn Lỗ Tấn 鲁 迅 đã sử dụng cả hai, vừa dùng bạch thoại để viết tiểu thuyết, vừa dùng văn ngôn để viết nhật ký. Văn văn ngôn và văn bạch thoại cũng giống như âm nhạc cổ điển và âm nhạc hiện đại, chúng đều có giá trị tồn tại như nhau. Cổ điển là cái truyền thống, vĩnh hằng, tinh thâm, cao nhã, quý tộc. Hiện đại là cái thời thượng, phổ biến, lưu hành, đại chúng, thông tục. Ngoài ra, bạch thoại và văn ngôn cũng có những điểm khu biệt, nhưng cũng có những chỗ không thể phân chia rạch ròi. Bởi vì bạch thoại được sản sinh trên cơ sở của văn ngôn, kế thừa đại bộ phận thành tố biểu ý của văn ngôn. Trong văn bạch thoại, có rất nhiều từ được cấu tạo từ những “tự” xuất phát từ văn ngôn, do đó có thể nói có rất nhiều từ là những tự được sử dụng trong cổ văn. Cho nên, trong những tác phẩm hiện đại ưu tú, chúng ta đều có thể phần lớn các chữ, câu trong cổ văn được sử dụng trong đó. Do vây, nếu một người dựa trên cơ sở học tập văn ngôn văn mà viết văn bạch thoại thì văn bạch thoại của anh ta sẽ đạt được trình độ là “nhã 雅” trong “tục 俗”, cao khiết trong cái thông thường, chẳng hạn như tiểu thuyết bạch thoại Hồng Lâu Mộng (红 楼 梦). Nếu một người không học văn văn ngôn, chỉ học biết chữ và viết chữ thì văn bạch thoại mà anh ta viết ra chỉ là tục không phải là nhã. Đúng như nhà văn lão thành Ba Kim 巴 金đã nói, loại người này (tức những người chỉ biết bạch thoại nhưng không rành văn ngôn) thì chỉ biết chữ nhưng mù văn (văn manh 文 盲), và không chỉ là mù về văn tự mà còn không thấu hiểu được văn hóa. Bởi vì anh ta không hiểu được truyền thống văn hóa, không nắm được những ẩn tàng bên trong của văn hóa.
4. Từ góc độ năng lực mà xem xét, năng lực văn tự là khả năng đọc và viết. Cả văn ngôn lẫn bạch thoại đều sử dụng thực thể cụ thể của chữ Hán để viết thành, đều là “tự bản vị”. Năng lực nghe nói của ngôn ngữ là cái có thể hình thành một cách tự nhiên, năng lực đọc viết của văn tự không thể tự nhiên mà hình thành, phải thông qua học tập mới có được. Người có thể đạt được trình độ đọc viết văn tự đều phải bắt đầu từ từng đơn vị chữ một, nếu hiểu rõ được những ý nghĩa biểu đạt của từng đơn vị văn tự, sẽ phân tích được mối quan hệ  giữa các đơn vị với nhau, từ đó mới có thể lý giải được ý nghĩa của toàn bộ câu, mới có thể viết được toàn bộ bài văn. Vì thế, bất luận anh đã đạt được trình độ đọc thông viết thạo tới đâu đều cần phải kiên trì nguyên tắc “tự bản vị”, đều phải học tập, hiểu biết về các vấn đề hình (形), âm (音) và ý (意) của từng con chữ.
Đạt được trình độ đọc, viết văn văn ngôn mà phải kiên trì nguyên tắc “tự bản vị” không có gì khó giải thích. Từ góc độ văn pháp mà nói, câu là do từ cấu tạo mà thành, trong văn văn ngôn, từ đơn, chữ đơn chiếm đại đa số. Tự và từ trong câu về cơ bản đều thống nhất, tự chính là từ, cho nên để đọc hiểu được văn ngôn điều cốt yếu là học tự. Tổ tiên của người Trung Quốc hơn 2000 năm qua đều quan tâm nghiên cứu 03 phương diện hình, âm , ý của chữ Hán, chẳng hạn như các công trình “Thuyết văn giải tự 说文解字” , đây cũng là một dạng sách chuyên nghiên cứu về Tự, ngay cả những sách vỡ lòng cho trẻ em thời xưa thường dùng như “Tam tự kinh 三 字 经”, “Thiên tự văn 千 字 文”... đều lấy “tự bản vị” làm nguyên tắc để nhận thức chữ.
Vì sao năng lực đọc hiểu về văn bạch thoại cũng cần nắm vững nguyên tắc “tự bản vị”? Bởi lẽ, đọc văn bạch thoại cũng bắt đầu xem từng chữ một. Từ góc độ văn pháp mà nói, câu trong văn bạch thoại cũng do từ cấu tạo mà thành, trong khi đó từ thì lại do tự cấu tạo. Trong văn bạch thoại, tự đơn hay từ đơn rất ít, từ do hai hoặc từ hai trở lên chiếm đại đa số. Tự và Từ là không đồng nhất với nhau nhưng để đọc hiểu văn bạch thoại thì cũng cần biết về mối quan hệ giữa từ và tự ở trong câu, từ đó có thể nhận biết được chữ nào là tự đơn, từ đơn, chữ nào không phải là tự đơn, từ đơn mà cố kết các tự thành từ, nếu không thì cũng không thể nào hiểu được văn bạch thoại. Ngoài ra, đối với phần lớn đa tự từ (多 字 词) (từ nhiều chữ), chúng ta cần nắm được âm đọc của tự để đọc được âm của từ, hiểu rõ được ý nghĩa của tự là có thể  hiểu được ý nghĩa của từ. Vả lại, không ít đa tự từ có thể biết được ý nghĩa của tự và từ như “Phi cơ 飞 机” (máy bay), “Phi cơ trường飞 机 场” (sân bay), “Tự hành xa 自 行 车” (xe đạp), “Tẩy y cơ 洗 衣 机” (máy giặt), “Thương nhân 商 人” (nhà buôn)... Vì tự trong văn bạch thoại trong quá trình sử dụng đã phát sinh sự thay đổi, tự là đơn vị cấu thành từ, phương pháp cấu tạo từ trong văn pháp chiếm một vị trí quan trọng, do vậy để có thể đạt được trình độ đọc được văn bạch thoại thì chúng ta cũng cần phải học tập phương pháp cấu tạo từ, biết được từ do tự cấu thành như thế nào, dạy đọc hiểu văn bạch thoại thì phải dạy trên cơ sở của từ, phân tích những từ đa tự thành những chữ cụ thể, không chỉ giúp cho người học biết được ý nghĩa của từ mà còn hiểu được ý nghĩa của chữ. Nếu như nắm vững nguyên tắc “tự bản vị”, chỉ dạy từ không dạy tự, chỉ dạy văn pháp, không dạy phép cấu tạo từ thì năng lực đọc hiểu của người học đạt được là không toàn diện, là khiếm khuyết, khả năng tiếp thu sẽ chậm. Vì sao ta có thể nói như vậy? Vì từ trong bạch thoại là vô hạn, nhưng tự để sử dụng thì hữu hạn, phần lớn từ đều do thiểu số tự cấu thành, biết nhiều “tự” thì sẽ năm được phần lớn kho tù vựng, vì thế năng lực đọc hiểu văn bạch thoại mạnh hay yếu đều nhờ vào khả năng năm được bao nhiêu “tự” chứ không phải là bao nhiêu từ, do vậy để nâng cao năng lực đọc hiểu văn bạch thoại thì cần phải biết nhiểu, hiểu rõ về tự, cần nghiên cứu những vấn đề liên quan đến tự. Cho nên suy nghĩ từ góc độ dạy học nhận biết về tự, muốn đạt được trình độ đọc hiểu về văn bạch thoại cũng cần nắm vững nguyên tắc “tự bản vị”.
Năng lực viết chính là khả năng viết văn chương, tiểu luận, văn văn ngôn và văn bạch thoại đều lấy quan điểm “tự bản vị” làm gốc, đều là sử dụng thực thể cụ thể của chữ Hán để viết thành, cho nên không kể viết theo dạng thức nào, một là phải biết “tự” được sử dụng như thế nào, hai là biết viết “tự”, thì mới biết viết văn chương, tiểu luận được. Năng lực viết chữ là một trong những khả năng cơ sở để viết văn vậy. Viết “tự” chính là viết ra tự hình (hình dáng của con chữ), năng lực viết chữ là khả năng nhớ và viết ra tự hình. Nắm vững nguyên tắc “tự bản vị” trong dạy học viết chữ là nắm vững dạy cách viết ra tự hình, chính là cách thức làm sao khiến cho tự hình của mỗi con chữ trở nên dễ viết, dễ nhớ.
Tuy nhiên, thực thể cụ thể của chữ Hán trong hệ thống văn tự chữ Hán là ít, nhưng số lượng vẫn còn rất nhiều. Trong văn bạch thoại, số lượng chữ Hán thường dùng có khoảng 3500 đơn vị. Nếu như thực thể cụ thể của chữ Hán đều độc lập thì giữa tự hình với tự hình, tự hình với tụ âm, tự hình với tự nghĩa sẽ không có mối liên hệ gì, không có quy luật gì. Toàn bộ thực thể văn tự đều không phải bị cô lập, tư hình chữ Hán và toàn bộ tự hình của văn tự đều giống nhau đều là một hệ thống được căn cứ vào một số lượng ít các tự hình nhất định nào đấy tổ chức thành. Đơn vị cấu thành của văn tự phiên âm là tự mẫu (字 母), túc là chữ cái, kết cấu của tự hình phiên âm là từng con chữ từ trái qua phải được sắp xếp lần lượt mà tạo thành. Đơn vị cấu thành tự hình của chữ Hán là do độc thể tự (独 体 字) (chữ đơn nhất) biến hóa mà thành, phần lớn những hợp thể tự (合 体 字) (tức chữ có kết cấu phức) là do phần lớn những chữ độc thể và thiên bàng (偏 旁) (bộ thủ) được bố trí trên dưới, trong ngoài, trước sau theo kết cấu tầng lớp mà tạo thành. Ngoài ra, tự hình, tự nghĩa và tự ý của chữ Hán đều có liên quan với nhau. Độc thể tự và thiên bàng là do sự phát triển của văn tự tượng hình, tự hình và tự nghĩa có liên quan với nhau. Tự hình và tự nghĩa của chữ hội ý trong hợp thể tự cũng có mối liên hệ với nhau, một nửa tự hình của chữ hình thanh và tự nghĩa có mối quan hệ, một nửa tự hình của chữ hình thanh với tự âm cũng có mối liên hệ.
Để tự hình của chữ hán có thể dễ viết, dạy học tự hình trước tiên phải dạy các đơn vị kết cấu nên tự hình, tức độc thể tự và thiên bàng do độc thể tự diễn biến mà thành. Người học không thể một sớm một chiều mà biết được các đơn vị cấu thành các tự hình được, sau khi hiểu được quy tắc kết hợp và kết cấu của tự hình thì dễ dàng viết được phần lớn các chữ hợp thể.
Để giúp cho việc dễ ghi nhớ tự hình của chữ Hán, dạy học tự hình không chỉ giới thiệu mối liên hệ giữa tự nghĩa và tự hình, khi giảng dạy chữ hội ý cũng cần giới thiệu mối quan hệ giữa tự ý và tự hình. Khi giảng dạy chữ hình thanh, ngoại trừ việc giới thiệu mối quan hệ giữa nghĩa của tự và nghĩa của bộ cũng cần  giới thiệu mối quan hệ giữa tự âm và thanh bàng (声 旁) (hay còn gọi là thanh phù, tức bộ phận biểu thanh của chữ), có tác dụng giúp cho tự âm và tự nghĩa có thể được lưu giữ trong ký ức của tự hình.
Trong quá trình viết chữ Hán, nét bút không phải là đơn vị kết cấu nên tự hình, vì khi sử dụng nét bút để phân tích tự hình, tự hình chữ Hán sẽ không có kết cấu gì để có thể nói và sẽ trở thành một thực thể cô lập. Nếu như chỉ dạy quy tắc bút thuận mà không dạy các kết cấu và các đơn vị cấu thành nên tự hình thì dĩ nhiên các tự hình được dạy đó sẽ trở nên tạp loạn, công việc học tập sẽ trở nên khó khăn, khó viết, khó nhớ. Ngoài ra, việc giảng dạy các bộ phận được tiến hành một cách đơn thuần, không quan tâm đến mối liên hệ giữa tự âm, tự nghiã hoạc tự hình của chữ Hán thì người học sẽ không bao giờ cảm nhận được những khó khăn khi nghiên cứu chữ Hán.
5. Do hệ thống ký hiệu của chữ Hán là “tự bản vị”, văn ngôn và bạch thoại đều là “tự bản vị”, không thể chia cắt được. Bởi thế, có học tập và sử dụng hai loại văn thể này mới có thể giúp cho việc phát huy khả năng lưu giữ văn hóa và giao tiếp của chữ Hán. Bên cạnh đó, do bạch thoại được phát triển trên cơ sở của văn ngôn, bởi vậy trong giảng dạy  đọc hiểu chữ Hán  cần nắm vững nguyên tắc “tự bản vị”, trước tiên là ưu tiên dạy “văn ngôn 文言” trước, sau đó là “bạch thoại 白话” thì mới có thể giúp cho người đọc đạt được trình độ đọc hiểu và viết được hai loại văn thể này một cách tốt nhất.
Cho dù hệ thống văn tự là “tự bản vị”, nếu như chúng ta vượt ra khỏi quan niệm “văn tự là cái ghi chép lại ngôn ngữ” (Văn tự thị ký lục ngữ ngôn đích文字是记录 语言的) và xem văn tự là một hệ thống ký hiệu tương đối độc lập thì khái niệm “tự bản vị” sẽ không khó lý giải vậy.
                                                            V.M.H dịch chú
(Nguồn: Trương Bằng Bằng 张 朋朋 (2007), Văn tự luận文 字 论, Hoa ngữ giáo học xuất bản xã 华 语 教 学 出 本 社, Trung Quốc 中 国, từ trang 25 - 31)