Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

CHỦ TRƯƠNG THƠ CA CỦA ĐỖ PHỦ

(ĐỖ PHỦ ĐÍCH THI CA CHỦ TRƯƠNG  杜甫的詩歌主張)
                                                                                    Thầm Chi 忱之
                                                                                Võ Minh Hải chú dịch
                                                                (Bản dịch kính tặng Thầy Lê Từ Hiển)
          Đỗ Phủ 杜甫, tự Tử Mỹ 子美, ngoại hiệu là Thiếu Lăng dã lão 少陵野老 là nhà thơ vĩ đại thời Đường 唐代. Ông đã để lại cho chúng ta một di sản thơ ca vô cùng phong phú. Về phương diện lý luận và phê bình, tuy ông không trực tiếp thể hiện qua những bài viết có hệ thống lý luận rõ ràng nhưng lại thể hiện một cách rải rác trong thơ ca của ông ta. Nếu xâu kết lại, chúng ta có thể có được cái nhìn toàn diện về quan điểm lý luận và phê bình văn chương của ông.
          Điểm đặc sắc trong chủ trương lý luận và phê bình của Đỗ Phủ chính là không thoát ly quan điểm hiện thực và nó có ý nghĩa to lớn đối với văn đàn thời bấy giờ. Thông qua hệ thống thi phẩm và thực tiễn sáng tác của mình, ông đã đề xuất và bổ khuyết cho quan điểm, chủ trương phê bình văn nghệ, lý luận sáng tác đương thời. Ông đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn, thần tình, linh động mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lý luận sáng tác và quan điểm phê bình văn học, khiến cho chúng đã đạt được một sự hài hoà, thống nhất và tương hỗ cho nhau trong thực tế tồn tại của chúng.
          Đỗ Phủ, về mặt lý luận thơ ca, trước hết ông đã kế thừa và phát dương chủ trương văn nghệ của thi nhân tiền bối là Trần Tử Ngang 陳子昂 (tác giả của Đăng U châu đài ca 登幽州臺歌 – ND chú), tiếp thu có phê phán tinh thần trọng thị hình thức của các thi nhân thời Sơ Đường 初唐, nhất là phản đối tinh thần Câu hạn thanh bệnh 拘限聲病 (bệnh bó buộc vào thanh luật) của phong trào sáng tác thơ sùng bái hình thức (Hình thức chủ nghĩa thi phong 形式主義詩風) . Về phương diện nội dung, tư tưởng của quá trình sáng tác, ông đã đề xướng yêu cầu thơ ca cần phải phản ánh hiện thực xã hội, thể hiện sự thống khổ của nhân dân và thể hiện sự ký thác sâu sắc. Về nghệ thuật, ông chủ trương dùng thể Tỉ 比 và Hứng 興 để viết thơ. Do đó, lúc Đố Phủ vừa đọc được danh tác Thung Lăng hành 舂陵行 và Tặc thoái thị quan lại 賊退示官吏 của Nguyên Kết 元結, ông đã không hết lời tán thán và cho là: Phục kiến tỉ hứng thể chế, vi uyển đốn toả chi từ 復見比興體制, 微婉頓挫之詞 (Như thấy lại hình thức của thể tỉ và hứng, lời lẽ đẹp đẽ mà có sức công phá vậy) và ông đã hạ bút viết một bài thơ có nhan đề là Đồng Nguyên sứ quân Thung Lăng hành 同元使君舂陵行, ông đã so sánh Giả Nghị 賈誼, Khuông Hành 匡衡 với Nguyên Thứ Sơn 元次山 (tức Nguyên Kết 元結, tự là Thứ Sơn 次山 – ND chú). Trong thi phẩm ông đã viết mấy dòng như sau:
Quan hồ Thung Lăng tác                  觀乎舂陵作
Hất kiến tuấn triết tình                見俊哲情
Phục lãm Tặc Thoái thiên        復覽賊退篇
Kết dã thực quốc trinh             結也實國楨
….
Đạo châu ưu lê thứ                            道州憂黎庶
Từ khí hạo tung hoành            詞氣浩縱橫
Lưỡng chương đối thu nguyệt  兩章對秋月
Nhất tự hài hoa tinh                一字偕華星
          Tạm dịch:
                   Xem qua bài Thung Lăng
                   Bỗng thấy tình xao động
                   Lại xem thiên Tặc Thoái
                   Kết (chỉ Nguyên Kết) thật là rường cột nước nhà.
                   ….
                   Ông Đạo Châu (chỉ Nguyên Kết, đương thời ông là quan Thích sử刺史ở Đạo Châu 道州, tỉnh Hồ Nam湖南 – ND chú) lo lắng cho trăm họ
                   Phong khí từ cú miên man ngang dọc
                   Hai chương thơ (tức hai tác phẩm của Nguyên Kết mà Đỗ Phủ đã đọc qua) cùng năm tháng
                   Mỗi từ là ngôi sao hoa.
                                                                             Minh Hải dịch
          Sự đồng điệu và nỗi lòng của thi nhân dường như đã được trải dai trên trang giấy. Đối với tư cách, phẩm giá và thi phẩm của nhà thơ tiền bối Trần Tử Ngang, đặc biệt là trong thi phẩm Cảm Ngộ Thi 感遇詩, Đỗ Phủ đã hết lời khen ngợi Trần Tử Ngang là:
           Hữu tài kế tao nhã…                        有才繼騷雅…
          Danh dữ nhật nguyệt huyền.             名與日月懸
          …chung cổ lập trung nghĩa               …終古立忠義
          Cảm ngộ hữu di biên                         感遇有遺編”
          Tạm dịch:
          Tài năng kế tục truyền thống tao nhã
          Danh vang cùng với mặt trời và mặt trăng
          …Xưa nay đứng cùng trung nghĩa
          Bài thơ xưa hãy còn rung động trong tình cảm…
                                                                             Minh Hải dịch
          Trong Trần Thập di cố trạch 陳拾遺故宅, chúng ta có thể bao quát được một số đặc điểm về quan điểm phê bình văn nghệ của Đỗ Dã Lão 杜野老, nhất là những phương diện nội dung mà ông ta đã tổng kết.
          Đối với vấn đề hình thức của thơ ca, ông đã đưa ra một hệ thống những kiến giải xác đáng. Trong Ngẫu đề 偶題, ông đã viết: Văn chương thiên cổ sự, đăc thất thốn tâm tri … 文章千古事, 得失寸心知 (Văn chương là chuyện muôn thuở, được hay mất ấy thì chỉ có lòng người mới hay). Trong Hý vi lục tuyệt cú 戲為六絕句, ông cũng đã viết:
          “Bất bạc kim nhân ái cổ nhân                     不薄今人愛古人
          Thanh từ lệ cú tất vi lân                              清詞麗句必為鄰
          Thiết phàn Khuất Tống nghi phương giá    竊攀屈宋宜方駕
          Khủng dữ Tề Lương tác hậu trần                恐與齊梁作後塵”
          Tạm dịch:
          Chẳng bạc người nay thích cổ nhân
          Câu từ thanh lệ bỗng hoá gần
          Thầm theo Khuất, Tống cùng chung cỗ (xe)
          Sợ tới Tề Lương hóng bụi trần
          “Vị cập tiền hiền cánh vật nghi                            未及前賢更勿疑
          Đệ tương tổ thuật phục tiên thuỳ                遞相祖述復先誰
          Biệt tài nguỵ thể thân phong nhã               別裁偽體親風雅
          Chuyển ích đa sư thị nhữ sư                       轉益多師是汝師”
          Tạm dịch:
          Chưa bằng người trước vẫn chẳng nghi (ngờ)
          Theo dấu người xưa trở về với chốn cũ
          Phân biện thể tài chân nguỵ và gần với phong nhã
          Chuyển dần theo dấu ấy thầy ta.
                                                                             Minh Hải dịch
          Không khó gì khi khẳng định, Đỗ Phủ là người chủ trương theo đòi thú phong nhã của tiền nhân, học theo Hán Nguỵ, phân loại đề tài và biện rõ nguỵ thể, tiếp thừa truyền thống văn hoá tốt đẹp của Thi 詩. Cái mà ông ta gọi là Tao nhã 騷雅 chính là huyết mạch thơ ca “Lư hạng ca dao chi âm 閭巷歌謠之音” (tiếng ca của những người nơi ngõ hẻm, thôn dã) từ truyền thống của kinh Thi đến thời kỳ Chiến quốc 戰國時期. Ông ngợi ca những văn nhân chịu ảnh hưởng của dân ca, sử dụng thể hứng làm phương tiện sáng tác. Cái mà ông gọi là Nguỵ thể 偽體, chính là những cái mà ông chỉ trích những lời lẽ uỷ mị chịu ảnh hưởng của các phong cách, trường phái từ thời đại nhà Tề 齊đến thời Sơ Đường 初唐. Đây cũng có thể xem là một phương diện lý luận trong chủ trương sáng tác của Đỗ Phủ.
          Vào thời ấy, chủ trương Biệt tài nguỵ thể 別裁偽體 do Đỗ Phủ đề xướng ấy thực sự đã có những ảnh hưởng khá lớn. Trước đó, trong sáng tác của Tứ Kiệt 四傑, Thẩm Tống 沈宋 đã có những dấu vết của những vấn đề lý luận mà Đỗ Phủ đã khái quát. Có thể nói, đó cũng là một phương cách để nhìn nhận một cách rõ ràng hơn tinh thần hướng cổ, học tập có phê phán và cơ sở của tài năng siêu việt mà thi nhân đời trước đã có được. Bởi thế, ông ta không chỉ chủ trương cần phải học tập theo phong cốt Hán Nguỵ 漢魏và đặc trưng phong tao của Nhạc Phủ 樂府. Đồng thời, ông cũng rất quan tâm đến thi phái Giang Tả 江左詩派 như Nhị Tạ 二謝 (Tạ Linh Vận謝靈運, Tạ Thiểu謝脁 (Theo Khang Hi tự điển) (hoặc âm Diểu – Theo Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn, Đào Duy Anh, Hoàng Thúc Trâm – ND chú), Nhan 顏 (Diên Chi延 之), Bão 鮑 (Chiếu 照), Hà 何 (Tốn 遜)… Đối với những nhà thơ này, ông chủ trương phải học nghệ thuật và kỹ xảo làm thơ của họ. Ngoài ra, ông ta không chỉ phục cổ mà còn đề xướng việc học tập các nhà thơ đương thời như Vương 王, Dương 楊, Lư 盧, Lạc 駱 (Tức Vương Bột 王勃, Dương Quýnh 楊炯, Lư Chiếu Lân 盧照鄰, Lạc Tân Vương 駱賓王  ND chú). Ở đây, ông đã thực sự kết hợp được tinh thần truyền thống và những cách tân của thơ ca đương thời với chủ đích là lấy phục cổ để làm phương tiện cách tân. Do đó, từ phương diện đóng góp này, ông đã mở ra một hướng đi mới cho thơ ca thời bấy giờ, những sáng tác của ông nhờ vậy mà quán tuyệt và lưu danh thiên cổ.
          Chủ trương lấy phục cổ để cách tân của ông đã gặp được khá nhiều hồn thơ đồng điệu, chẳng hạn như Lý Bạch 李白, Trịnh Kiền 鄭虔, Tô Nguyên Minh 蘇源明, Mạnh Vân Khanh 孟雲卿… đến Nguyên Kết, Trương Bưu 張彪 … những nhà thơ này hoặc bằng lý luận hoặc thông qua thực tiễn mà trực tiếp hay gián tiếp đồng ý với chủ trương của Đỗ Phủ vậy. Và có lẽ, khuynh hướng này cũng có sự gặp gỡ với quan điểm sáng tác của các thi nhân như Mạnh Giao 孟郊, Trương Tịch 張籍, Bạch Cư Dị 白居易…Vì thế, chủ trương này đã có tầm ảnh hưởng khá sâu rộng và Đỗ Phủ về phương diện lý luận đã có sự tiếp thừa và khai sáng nên một trường phái mới – trường phái hiện thực trong thơ Đường.
          Như trên đã nói, chủ trương Dĩ cổ cách tân 以古革新mà Đỗ Phủ đề xướng cũng vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của một số thi nhân ưa chuộng hình thức, theo thể thức của thi ca đời Lục Triều 六朝. Tuy vậy, qua những kiến giải của ông về thơ của Sơ Đường Tứ Kiệt cho thấy ông cũng có những cách nhìn nhận mới có tính lý luận về thơ ca. Từ những quan điểm lý luận cụ thể của Đỗ Phủ, chúng ta có thể lý giải mối quan hệ mật thiết giữa thi ca Lục Triều 六朝 và Thịnh Đường 盛唐. Những lời bình luận của ông về các thi nhân đương thời đã thể hiện quan điểm sáng tác của mình. Với ông, thơ ca Lý Bạch thì thanh tân, phiêu dật, Bào Chiếu thì tha thiết, ôn lương. Đặc biệt là trong cách xử lý các mối liên hệ, phẩm cách cao khiết và khảo sát các phương diện tương đồng và dị biệt để từ đó khái quát các đặc điểm nghệ thuật, tư tưởng của thi nhân đương thời. Trong các mối quan hệ tương ứng ấy, ông đã chỉ ra những điểm sáng rõ về nghệ thuật của các thi nhân có khuynh hướng hiện thực thời bấy giờ, đó là cảm hứng ưu thời mẫn thế 憂時憫世, cảm hoài thân thế 感懷身世 (tức cảm hoài về thân phận của chính bản thân mình), dĩ kim điếu cổ以今弔古 (lấy nay để luận xưa) vậy.
                                                       Quy Thành, 20 tháng 04 năm 2012
                                                                    V.M.H dịch chú
Nguồn: Danh gia đàm văn học 1 名家談文學 (一), Thương vụ ấn thư quán 商務印書館 xuất bản, Đài Loan 臺灣, tr. 49 – 55.