Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

NGUỒN GỐC CỦA TẾT THANH MINH

(THANH MINH TIẾT KHỞI NGUYÊN - 清 明 節 起 源)
                                                                                   Võ Minh Hải
Tết Thanh minh (Thanh minh tiết - 清明節)là ngày lễ rất quan trọng trong văn hoá dân gian, là một trong tám ngày lễ tiết quan trọng theo phong tục Trung Hoa (中華) như: Thượng nguyên 上元 hay còn gọi là Nguyên tiêu 元宵, Thanh minh 清明, Lập hạ 立夏, Đoan ngọ 端午, Trung nguyên 中元, Trung thu 中秋, Đông chí 冬至 và Trừ tịch 除夕.
Thời đoạn của tiết Thanh minh có thế rất dài, trước ngày mồng 5 tháng Tư âm lịch 10 ngày và kéo dài sau đó 8 này (có thuyết nói là 10 ngày). Trong khoảng thời gian gần 20 ngày đó được xem là thuộc vào tiết Thanh minh. Về nguồn gốc của lễ tết này, căn cứ theo truyền thuyết khởi thuỷ bắt nguồn từ lễ Mộ tế 墓祭 của các bậc đế vương thời cổ, về sau dân gian cũng phỏng theo tục ấy. Vào ngày này, người ta thường quét dọn, cúng tế mộ phần của tổ tiên ông bà, từ đó đã hình thành một phong tục đẹp của người Trung Quốc. Tết Thanh minh 清明và Xuân tiết 春節, Đoan ngọ 端午, Trung Thu 中秋 còn được gọi là 04 đại lễ tiết truyền thống của người Hoa. Từ năm 2008, tết Thanh minh đã được nhà nước Trung Quốc công nhận là quốc lễ và toàn dân được nghỉ lễ.
Theo quan niệm truyền thống của các nhà nghiên cứu, tết Thanh minh ước đoán là được hình thành từ đời Chu 周代 và có lịch sử tồn tại hơn 2500 năm. Tết Thanh minh khởi thuỷ của nó là một tiết khí 節气 quan trọng, khi tiết Thanh minh đến, khí ấm lên cao, cũng chính là thời điểm canh tác, trồng trọt tốt nhất của mùa xuân. Vì thế có câu ngạn ngữ của nông dân:
“Thanh minh tiền hậu chủng qua điểm đậu
清 明 前 后 种 瓜 點 豆”
(Trước và sau tiết Thanh minh thì trồng dưa trồng đậu)
“Thực thụ tạo lâm mạc quá thanh minh
植 樹 造 林 莫 過 清 明”
(Trồng cây gây rừng chớ quá tiết Thanh minh).
Về sau, do tết Thanh minh và tết Hàn thực 寒食 gần nhau, mà ngày tết Hàn thực thì cấm lửa và tảo mộ, dần dần Hàn thực và Thanh minh được phối hợp với nhau thành một, và tết Hàn thực đã trở thành tên gọi khác của tết Thanh minh, trở thành một tập tục của tết Thanh minh. Ngày tết Thanh minh không đụng đến lửa khói, chỉ dùng các thực ăn nguội.
Sau tiết Thanh minh thì khí Vũ thuỷ 雨水 càng tăng, cảnh sắc của đất trời càng trở nên rạng rỡ. Sự chuyển đổi của tự nhiên hay sự giao hoà giữa con người và vạn vật cũng đều được thay đổi từ lúc này, những ngày u ám của mùa đông đã đi qua, đón chào sự tươi mới của không khí mùa xuân đang thực sự trỗi dậy, ấy là do âm dương đã thực sự chuyển hoá mà thành.
Tết Thanh minh là một trong những ngày lễ truyền thống của người dân tộc Hán 漢, là một trong hai mười bốn tiết khí theo quan niệm của người Trung Quốc cổ xưa. Thời gian của nó được ước lượng khoảng trước sau ngày mồng 5 tháng 4 âm lịch. Xưa kia, trước tiết Thanh minh một ngày được gọi là tiết Hàn thực. Tương truyền vào thời kỳ Xuân Thu 春秋時期, Tấn Văn Công 晉文公 truy niệm sự kiện “Cát cổ sung cơ 割股充飢” (Cắt thịt đùi chống đói) của Giới Tử Thôi 介子推, về sau thì nhập chung với tết Thanh minh thành một tiết. Từ đời Đường 唐代 trở về sau, lễ tảo mộ đều lấy ngày này làm nhật kỳ.
Tương truyền, sau khi vua Vũ 禹 trị thuỷ xong, mọi người lấy hai chữ Thanh minh để chúc mừng thuỷ tai đã được diệt trừ, chúc mừng thiên hạ đã được thái bình. Đó là thời đoạn mà ngày xuân ấm áp, hoa nở tươi vui, vạn vật biến chuyển, “Thiên thanh địa minh 天清地明” (trời trong đất sáng), chính là lúc tốt nhất để du xuân đạp thanh. Tập tục Đạp thanh 踏青 vốn đã có từ đời Đường 唐, dần dần đã trở thành một tập tục. Ngoại trừ việc thưởng thức cảnh sắc sông núi, cảnh đẹp ngày xuân, đạp thanh còn tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, càng làm tăng thêm vẻ hứng thú của ngày xuân.
Tết Thanh minh còn lưu giữ tập tục Tảo mộ 掃墓, nhưng kỳ thực tục tảo mộ là nội dung của tết Hàn thực diễn ra trước thanh minh một ngày. Hàn Thực là ngày tương truyền bắt đầu từ việc Tấn Văn Công truy niệm sự kiện Giới Tử Thôi. Năm Khai Nguyên 開 元 thứ 20, Đường Huyền Tông 唐玄宗 hạ chiếu hiệu lệnh thiên hạ, “Hàn thực thướng mộ 寒 食 上 墓” (ngày hàn thực đi thăm mộ). Vì tết Hàn thực và Thanh Minh gần nhau nên về sau người xưa có xu hướng chuyển dân sang lễ thanh minh để đi tảo mộ. Thời kỳ Minh Thanh 明清, tục tảo mộ thanh minh càng trở nên thịnh hành. Theo phong tục tảo mộ thời cổ, trẻ em thường thả diều. Những cánh diều bình an thường mang theo sáo trúc, khi gió thổi có thể phát ra âm thanh, thường gọi là sáo diều. Ấy là người xưa đã căn vào âm thanh vui tai mà đặt tên cho diều vậy.
Trong tết thanh minh còn có khá nhiều những phong tục bị thất truyền, chẳng hạn những phong tục được lưu truyền vào thời cổ đại như Đới liễu 戴 柳, Xạ liễu 射 柳, Đả thu thiên 打 秋 千… Những phong tục thanh minh này cũng rất thịnh hành thời Liêu 遼, từ triều đình cho đến thứ dân đều lấy trò đánh đu làm âm nhạc, gái trai tụ tập, phong tục đạp thanh 踏青 cực kỳ thịnh hành. Không khí ngày xuân thật rộn ràng, đúng như Nguyễn Du đã miêu tả trong Truyện Kiều: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh”.
Theo truyền thuyết, phong tục Sáp liễu 插 柳 (trồng liễu) được dùng để kỷ niệm sự kiện tổ sư của nhà nông là Thần Nông Thị 神農氏 dạy dân trồng cấy, gặt hái (“Giáo dân giá sắc 教民稼 穡 ”). Có nơi, người ta cắm những cành liễu ở dưới mái tranh nhà để mà dự báo thời tiết. Ngạn ngữ xưa có câu:
“Liễu điều thanh, vũ mông mông. Liễu điều can, tình liễu thiên
柳 條 青 雨 蒙 蒙, 柳條干晴了天 ”
(Cành liễu xanh, mưa lất phất. Cành liễu khô, trời tạnh ráo).
Trong cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào 黃 巢 起 義, các tướng lĩnh quy định lấy “Thanh minh làm thời gian, mang cành liễu làm hiệu” (Dĩ thanh minh vi kỳ, đới liễu vi hiệu 以 清 明 為 期 戴 柳 為 號”. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, tập tục mang liễu dần dần bị đào thải, chỉ có tục trồng liễu là vẫn còn thịnh hành không suy giảm. Bởi lẽ, sức sống của cây dương liễu càng ngày càng phát triển, tục ngữ có câu: “Hữu tâm tài hoa hoa bất phát, vô tâm sáp liễu liễu thành âm 有 心 栽 花 花 不 發 無 心 插 柳 柳 成 蔭” (Có lòng trồng hoa nhưng hoa không phát triển, vô tâm trồng liễu liễu lại rậm thành bóng râm). Cây liễu trồng ở đất thì sống mạnh, trồng đến đâu sống đến đó, năm nào cũng trồng liễu, khắp chốn đều thành bóng râm. Tục trồng liễu vào tết thanh minh còn có một thuyết khác: Vốn dĩ người Trung Quốc đã lấy Thanh minh và ngày đầu tháng bảy (Thất nguyệt 七月), đầu tháng mười (thập nguyệt 十月) làm Tam đại quỷ tiết 三 大 鬼 節, đây là thời điểm mà các loại ma quỷ xuất hiện lục lọi khắp nơi. Con người vì phòng trừ ma quỷ xâm hại nên trồng liễu, đội liễu… Bởi thế, cây liễu trong mắt mọi người là vật có công dụng trừ ma quỷ. Về sau, do sự tiếp thu ảnh hưởng của phật giáo, người ta cũng cho rằng liễu có thể trừ khử ma quỷ, do đó mới gọi là “Quỷ bố mộc 鬼 怖 木” (Cây quỷ sợ), đức Phật bà Quán thế âm 觀 世 音 菩 薩 dùng cành dương liễu rưới nước cam lồ mà cứu độ chúng sinh. Giả Tư Hiệp 賈思勰 trong cuốn Tề dân yếu thuật 齊 民 要 術 có viết:
“Thủ liễu chi trước hộ thượng, bách quỷ bất nhập gia
取 柳 枝 著 戶 上 百 鬼 不 入 家”
(Lấy cây liễu đặt trước nhà, trăm quỷ không nhập gia).
Thanh minh đã trở thành Quỷ tiết 鬼 節, vì thế lức cây liễu vừa phát chồi xanh non, mọi người đều nhẹ nhàng bẻ và cắm cành liễu để trừ tà. Người Hán có câu thành ngữ “Chiết liễu tặng biệt 折柳贈別” (Bẻ cành liễu tặng lúc chia tay):
“Bá kiều tại Trường An đông, khoá thuỷ tác kiều, Hán nhân tống khách chí thử kiều, chiết liễu tặng biệt…”
灞 橋 在 長 安 東 跨 作 橋 漢 人 送 客 至 此 橋 折 柳 贈 別
(Cây cầu Bá ở phía đông thành Trường An, nước chảy vượt qua nên mới làm cầu, người Hán tiễn khách đến cây cầu này đều bẻ cành liễu tặng để tiễn biệt).
Thi tiên Lý Bạch 李白 cũng có câu từ rằng:
“Niên niên liễu sắc, Bá lăng thương biệt
年 年 柳 色 灞 陵 傷 別”
(Sắc màu liễu hằng năm, đau buồn tiễn biệt nơi cầu Bá).
Hai bên bờ cầu Bá ở kinh thành Trường An thời cố đại, đê dài 10 dặm, cứ một bộ là một cây liễu. Vì người đi về phía Đông thành Trường An nhiều nên chỗ này thành nơi tiễn biệt, bẻ liễu mà tặng biệt người thân. Do chữ “Liễu 柳” và chữ “Lưu 留” hài âm với nhau nên lấy ý hoán đổi âm để mà tỏ sự lưu luyến. Tập tục này khởi nguồn từ rất sớm, trong Thi kinh 詩經, phần Tiểu Nhã 小雅, bài Thái Vi 采薇 có câu:
“Tích ngã vãng hỹ, dương liễu y y
惜 我 往 矣 楊 柳 依 依”
( Xưa ta ra đi, thì cây liễu rườm ra - “Khi xưa tách bước xa nhà, thấy cây dương liễu rườm rà xanh tươi”
(Theo Tạ Quang Phát dịch, Kinh Thi tập II, Nxb Văn học, Hà Nội 2004, tr55 - 56).
Dùng hình thức bẻ liễu tặng khi biệt ly để biểu thị tâm ý tình cảm bịn rịn, luyến thương không thể chia tay được vậy. Dương liễu là biểu hiện của mùa xuân, trong ngày xuân cành dương liễu xanh sắc, luôn mang đến cho con người cảm xúc vui tươi. “Chiết liễu tặng biệt” đã ẩn hàm nguyện vọng cầu chúc “xuân thường tại 春常在” (Mùa xuân còn mãi). Người xưa khi tiễn biệt thường bẻ liễu còn mang ngụ ý người thân ly hương như cành liễu phải xa cây, hy vọng người ấy (hoặc cành liễu) đi đến một nơi mới sẽ sớm đâm chồi nẩy lộc phát triển như xưa, ý nguyện mong mỏi cành liễu đã đi đến đâu cũng có thể sống được. Nó như một lời chúc tốt đẹp đối với người ra đi. Trong thơ và từ của người xưa cũng có nhiều bài đề cập đến điển tích này, nhà thơ Quyền Đức Dư 權 德 輿 đời Đường 唐 viết rằng:
“Tân tri chiết liễu tặng 新 知 折 柳 贈”
(Mới biết bẻ liễu tặng).
Nhà thơ Khương Bạch Thạch 姜 白 石 đời Tống 宋 thì nhấn mạnh:
“Niên niên trường tự tống hành nhân, chiết tận biên thành lộ bàng liễu
年 年 長 自 送 行 人 折 盡 邊 城 路 旁 柳”
(Mỗi năm tiễn người đi, bẻ hết liễu bên bờ đường thành Trường An vậy).
Nhà thơ Trần Duy Tùng 陳 維 崧 đời Thanh 清 cũng viết rằng:
“Liễu điều kim thặng kỷ? Đãi chiết tặng 柳條今剩幾? 待 折 贈
(Cành liễu này còn mấy? Đợi đến khi nào bẻ tặng).
Người đời hễ thấy đến cây dương liễu thì dẫn đến cảm xúc sầu biệt ly, nghe đến khúc “Chiết dương liễu 折 楊 柳” cũng xúc động không ngừng. Nhà thơ Lý Bạch trong “Xuân dạ Lạc Thành văn địch 春 夜 洛 城 聞 笛” (Đêm xuân nghe tiếng địch ở Lạc Thành) cũng cho rằng:
“Thử dạ khúc trung văn chiết liễu, hà nhân bất khởi cố viên tình
此 夜 曲 中 聞 折 柳, 何 人 不 起 故 園 情”
(Trong khúc hát đêm nay nghe điệu chiết liễu, ai mà chẳng động lòng nhớ tình cảm với vườn xưa).
Thật ra, cây liễu có thể có khá nhiều ý nghĩa biểu trưng khác nhau, người xưa đã phú cho nó một loại tình cảm như là mượn liễu để ký thác tình cảm, làm cho tâm tình càng trở nên ý vị.
Tết Hàn thực rốt cục là trước tết Thanh minh mấy ngày? Có mấy cách giải thích? Lương Tông Lẫm 梁 宗 懍 trong Kinh Sở tuế thời ký 荊 楚 歲 時 記 có ghi chép rằng: Sau đông chí khoảng 105 ngày thì gọi là Hàn thực. Như vậy, tết Hàn thực trước Thanh minh đúng 02 ngày. Trong thơ của ông Nguyên Chẩn 元 真 đời Đường có câu:
“Sơ quá Hàn thực nhất bách lục 初 過 寒 食 壹 百 六”
(Qua đến tiết Hàn thực là đúng 106 ngày)
Và ông cho rằng tết Hàn thực trước ngày Thanh minh đúng 01 ngày, tiết Thanh minh và Đông chí bản thân nó cũng có thời điểm rõ ràng, có thể sai dị 01 ngày. Bởi vì ngày Thanh minh và Hàn thực gần nhau nên người xưa những hoạt động trong ngày Hàn thực thường được kéo dài đến ngày Thanh minh, lâu dần trở nên tập tục ấy, giữa Hàn thực và Thanh minh cũng không có gì khác biệt lắm.
Trước và sau tết Thanh minh diễn ra nhiều hoạt động mang tính phong tục truyền thống, như Hàn thực thì tặng lửa (Hàn thực tứ hoả 寒 食 賜 火), Thanh minh thì đi tảo mộ phần (Thanh minh tảo mộ 清 明 掃 墓), lễ hội Đạp thanh 踏 青, đi dạo vùng ngoại ô (Giao du 郊 游), đánh cầu ngựa (đả mã cầu 打 馬 球), thả diều (phóng phong tranh 放 風 箏), đánh đu (Đãng thu thiên 蕩 秋 千), đá gà (Đấu kê 鬥 雞), lội sông (Bạt hà 拔 河)… Những hoạt động này được thay đổi kế tục theo năm tháng. Tuỳ theo sự phát triển của xã hội, có những tập tục giờ đã bị đào thải, có những tập tục được lưu giữ đến ngày nay nhưng đã phú cho nó nội dung mới.
                                                                                                  V.M.H