Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Valentine sớm của chúng mình

          Chiều nay, sắp hết giờ làm việc, chị đồng nghiệp bảo: “Mai là ngày valentine rồi, em có dự định gì chưa. Chẳng hạn như dẫn bạn gái đi đâu, tặng hoa gì, ăn gì…”. Anh chỉ mỉm cười, rồi bâng quơ trả lời: “Chưa bao giờ em tặng bạn gái mình cánh hoa hồng thật vào ngày lễ tình yêu, 8-3, 20-10, sinh nhật cô ấy chị à. Em chỉ thích tặng hoa hồng mình tự tay làm bằng lá dừa thôi”. Phút ngạc nhiên rồi chị quay sang nhìn anh và nói: “Có bạn trai như em, chị bỏ quách từ lâu rồi, vừa sến lại vừa sẩm, con nào nó chịu em đến ngày hôm nay là quá giỏi”. Anh cũng chẳng lấy làm lạ khi nghe chị nói, bởi từ lâu anh là người như thế rồi phải không em?


Như thường lệ, tan cơ quan anh lại một mình lang thang ngoài biển và cũng như mọi ngày anh chờ đợi phút giây được gặp em. Nhìn kim đồng hồ quay, qua đi từng giây, từng phút rồi đến từng giờ mà chẳng thấy dáng em đâu. Và, anh bỗng thấy nhớ em vô cùng. Sao chiều nay em không đến? Không như những chiều hai đứa đợi nhau ngoài công viên, rồi cùng nhau dạo khắp đường bờ biển hình lưỡi liềm của thành phố xinh đẹp, khi trời bắt đầu nhá nhem vào đêm. Anh một mình một bóng và dường như đang lạc giữa thinh không của sự cô đơn, pha chút hờn dỗi. Cầm điện thoại trên tay, lục tìm danh bạ tên em, nhưng chỉ nhìn thoáng qua rồi vội tắt. Chốc, chốc lại mở ra xem tấm hình còn in nụ cười của ngày đầu anh nói lời yêu em.

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Mưa nắng, bóng mẹ phủ che (Thủy Linh Lung)


Thi sĩ họ Nguyễn chẳng đã nói “Nắng mưa là bệnh của trời”; mưa, nắng đâu chỉ là những hiện tượng tất yếu của sinh thể tự nhiên, nó còn có nghĩa là những “mưa, nắng” trong cuộc đời này. Vốn dĩ là chuyện riêng tư như thể “tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” vậy thôi, Nhưng chuyện riêng ấy lại không của riêng ai. Như thế, ta thấy mặt lưỡng hợp của mọi vấn đề: giữa riêng - chung, cá nhân - cộng đồng, dân tộc - nhân loại, truyền thống - hiện đại... Theo như triết học Mác-Lênin, đó là mối quan hệ biện chứng giữa các sự vật, hiện tượng. Đó chính là quy luật hiện tồn của cuộc sống.



1.MƯA - NẮNG VẦN VŨ ĐÔI BỜ
Cuộc sống cũng như đời người vốn dĩ là một dòng sông vừa khai thuỷ, chảy trôi theo một dòng không định sẵn. Trên đôi bờ sông ấy, nắng mưa thay nhau vần vũ bốn mùa. Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm nhưng vẫn có những cơn mưa xuân làm tiết trời se lạnh. Dường như, hoá tạo muốn đêm hơi thở lạnh lẽo níu giữ những sắc hương ấy. Hạ đến cùng mùa nắng oi ả, nắng nhuốm vàng những chòm điệp, đổ lửa lên vòm phượng học trò và trượt mình trên chiếc nón lá tinh khôi của người thiếu nữ. Đôi khi trở tính đỏng đảnh, vài cơn mưa hạ rả rích thầm thì với lũ học trò tinh quái. Con gió heo may mang cái lạnh, khô len lỏi vào thu mùa làm nhạt sắc lục nơi màu lá biếc để trong kí ức người chỉ ngập màu vàng thu năm nao. Đông tới cũng là khi lạnh giá đến buốt thịt xương, giá lạnh đến độ ta không còn cảm giác, chỉ mơ hồ là cái rét ngọt cắt vào da thịt. Như thế, bốn mùa chảy trôi trong chuyển luân của nắng, của mưa. Cuộc đời này cũng thế, dọc đường đời là bao bão tố, bao cơn khát, bao trầm luân luôn chực chờ.

Con đường làng (Phạm Tuấn Vũ)

Có một con đường làng, suốt đời nằm im dưới bóng hàng tre, mịn màng đất cát, như dải lụa mềm ôm lấy bờ cỏ hồ ao, vắt ngang cánh đồng lúa non, ghé qua từng con ngõ, vào thăm từng ngôi nhà. Con đường làng đưa người dân quê ra đồng, lên chợ, đến nhà thăm nhau, nối bền yêu thương nghĩa tình làng xóm, con đường làng đã hóa nên thân quen với thôn xóm chẳng biết từ thuở bao giờ, như một phần không thể nào thiếu được.
Minh họa: Trà My
Con đường làng bé nhỏ quanh co, nhưng là khởi nguồn của những đường cái lớn, đưa ta ra với thế giới bao la tươi đẹp bên ngoài. Từ những mái nhà thân thuộc với hàng giâm bụt, giàn mướp, luống cà; từ xóm nhỏ yên bình với cây đa, giếng nước, với những mặt người hiền lành, mộc mạc như đất bao nhiêu năm thấp thoáng sau bóng hàng cau, lũy tre làng, con đường thôn quê đưa ta ra những khoảng trời rộng lớn, có bao điều mới lạ bất ngờ. Đó là con đường đưa ta đến trường có vòm lá cọ rợp mát làm chiếc ô xanh biếc trên đầu, có tiếng chim non đầu cành ríu rít. Đó là con đường đưa ra thành phố học, lần đầu tiên xa quê ra chốn đông người, có lời động viên của ba, có ánh mắt âu lo của mẹ, có cả ước mơ và lời hứa nguyện ta giữ chặt trong lòng. Đó là con đường đưa ta cùng bạn bè cùng trang lứa lên đường nhập ngũ, đi bất cứ nơi đâu mà Tổ quốc cần. Con người ta ai cũng phải lớn lên, phải bay ra với cuộc đời rộng lớn đẹp tươi. Những nẻo đường đất nước sẽ đón bước chân ta, xóm nhỏ nơi quê nghèo không thể giữ ta mãi nữa. Nhưng nếu không có con đường làng nhỏ làm sao ta ra được đường cái thênh thang, làm sao bước chân ta cất lên nổi.

Ôm trăng giữ mùa (Thủy Linh Lung)

1. “Trăng muôn đời thiếu nợ…”
Ta muốn bắt đầu những nghĩ suy của mình bằng một câu hát còn để khuyết mỗi người tự tìm lấy một lời giải đáp cho riêng mình.
Vẫn biết đời đổi thay, chảy trôi nơi nào rồi lại về nguồn cũ tìm ngọt ngào phù sa đắp bồi bãi bờ hoang dại. Ở phương trời xa, em rao bán tuổi thơ mình, đổi lấy một món hời mà trả nợ cho trăng. Nỗi nhớ trong em không thổn thức, không dằn vặt, trăn trở… chỉ là một nỗi nhớ vu vơ. Cái vu vơ của kẻ tình nhân xa. Chỉ có em là con nợ của trăng. Em nợ lớn quá, nhiều quá sao em trả hết? Ngày xưa, có một cô bé lớn lên trong đòn ròi, tiếng la mắng của người cha dượng. Người mẹ cô yêu thương đã vì bệnh tật qua đời. Trên cõi đời này, cô chẳng còn ai. Cô bị ám ảnh bởi mọi thứ trong ngôi nhà quen thuộc. Cô thường trốn ra bờ sông khi cha dượng đã ngủ say. Nằm im trên cỏ non, cô âm thầm nghe gió thì thào, nghe cỏ hát tình ca, nghe mùi cỏ ram rám trên từng thớ thịt. Ngửa mặt hứng trăng, nước mắt cô lấp lánh thế chảy dài như một dòng sông trăng. Như thế, trăng với cô thành bạn, thành tri kỉ, nhân tình của nhau. Trăng ve vuốt vết thương lòng cô, khiến chúng lành lặn. Trăng tặng cho cô nụ cười đẹp nơi khuôn mặt thánh thiện. Yêu trăng bởi trăng là một phần tâm hồn cô vậy.


2. Thu già bởi tại trăng non

Thương bếp lửa chiều đông (Phạm Tuấn Vũ)

Có những chiều đông rất buồn. Quê tôi chìm trong màn mưa giăng kín núi rừng. Mưa triền miên không dứt, như rót vào lòng người những nỗi buồn miên man. Nhà tôi ngày ấy mùa mưa nào cũng giọt, vách phên tre gió lọt lạnh lùng. Gió mùa Đông bắc tràn về, thổi run run những bàn tay lạnh, ba tôi lại ngồi nhóm bếp chiều đông.

Minh họa: Trà My
Có những chiều đông như thế. Ba tôi lặng lẽ xuống bếp nhóm những đóm lửa hồng rồi ngồi đó trầm ngâm. Ông khẽ châm điếu thuốc rồi đưa ánh mắt trông ra xa vời. Ngoài kia con nước đang lên, tiếng bìm bịp kêu chiều bập bềnh nỗi nhớ. Đó là những ngày mẹ xa nhà đi vào tận miền trong làm công nhân chưa về. Thương nhau, đôi bàn tay trắng lấy nhau. Cả một thời trai trẻ, ba mẹ tôi chưa được sung túc ngày nào. Hết ba lại mẹ phải thay nhau đi làm xa. Nhiều lần tôi bắt gặp đôi mắt ba tôi rưng rưng, không biết là khói bếp cay xè hay những giọt nước mắt tủi thương trong lòng cố nén chặt. Những chiều đông mẹ xa nhà, ba ngồi bên bếp nhìn ra xa vời. Thương mẹ nhưng buộc lòng để mẹ đi làm xa, nhớ mẹ ba tôi lại ngồi nhóm bếp…

Duyên nợ nhà Phật (Thủy Linh Lung)

Được sinh ra trên đời vốn là duyên nợ tiền kiếp. Người Trung Hoa có một quan niệm, bố và con gái kiếp trước là tình nhân của nhau, vì không đến được với nhau nên kiếp này họ được trọn vẹn sống cùng nhau. Con vẫn băn khoan tự hỏi, vậy con trai và mẹ ở kiếp trước đã mang nợ gì nhau để cái duyên, cái nợ nối tiếp đến kiếp này?
Chùa Thập Tháp (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) - Ảnh: Đ. PHÙNG

Thuở nhỏ, con vốn là đứa ngỗ nghịch, hay quấy hay phá nên mẹ phải vất vả hơn khi sinh thành cũng như khi chăm sóc, nuôi nấng. Lớn lên, con không hiểu những khó nhọc nặng chín cù lao ấy, con theo bạn bè chơi bời, lêu lổng. Nhiều lúc vô tâm con làm mẹ muộn phiền, những lời nói độc địa, những hành động vô lễ với mẹ không hiểu tại sao con lại làm thế nữa! Người ta vẫn bảo đôi mắt mẹ đẹp nhưng đượm buồn. Đó là nét buồn vì con. Nếu không có con chắc mẹ đã hạnh phúc hơn. Mỗi khi gieo lời hỗn láo, cãi lời mẹ hay phạm lỗi, nỗi buồn u uẩn, sự ăn năn, hối hận tràn lên trong con. Con muốn xin lỗi mẹ, muốn khóc, muốn làm gì cho mẹ vơi bớt muộn phiền. Nhưng con cũng chỉ lặng lẽ quay đi né tránh để rồi lần sau lại tái phạm. Con muốn được tha thứ, muốn được gỡ đi những đường gân đen từ tim mình. Nhưng chỉ là muốn mẹ làm cho mình. Dù chẳng nghĩ nổi một điều mình muốn làm cho mẹ. Chẳng hiểu từ đâu, từ bao giờ, con trở thành một đứa ít nói, hay cáu gắt, lạnh lùng đến khó bảo.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Cầu tre thương nhớ (Phạm Tuấn Vũ)

Đất nước mình phát triển, ngày càng có nhiều cây cầu hiện đại, vững chắc nối liền hai bờ. Không còn nhiều hình ảnh những chiếc đò ngang cắm sào nằm đợi. Nhịp cầu tre lắc lẻo khó đi cũng dần lui vào ký ức của một thời quê hương còn nhiều vất vả gian lao. Nhiều em nhỏ hôm nay có thể sẽ không hình dung được chiếc cầu tre ngày ấy. Có thể ai đó lỡ quên mất nhịp cầu tre thân thiết năm nào. Nhưng với riêng tôi, hình ảnh chiếc cầu tre nho nhỏ nơi con suối đầu làng vẫn còn in đậm hoài trong ký ức, dẫu thời gian có thể làm nhiều thứ mờ phai.

Minh họa: Trà My

Cầu tre ngày ấy đơn sơ. Hai thân tre dài vắt ngang hai bờ suối làm cầu. Giữa dòng là hai đoạn tre già trồng chéo làm trụ chia cầu ra hai nhịp. Trên cầu một cây tre nhỏ thon dài được buộc vào hai trụ cũng bằng tre để người qua vịn cho dễ đi. Cây cầu nho nhỏ làm toàn bằng tre, đong đưa mỗi buổi trưa hè, lắc lư mỗi chiều nước lớn, gần gũi thân quen với người dân xóm tôi, như cây đa, bến nước của một ngôi làng nào đó trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này…

Thương lắm, khói chiều ơi! (Vi Ánh Ngọc)

Chiều cuối đông, trên chiếc xe máy cà tành chạy gần cả trăm cây số từ thị thành về quê, chợt thoang thoảng mùi rơm rạ sau mùa gặt, và những ngọn khói chiều vương vãi chốn đồng quê. Dừng xe giữa ruộng đồng mênh mông, tôi tranh thủ hít hà thứ hương vị đã gắn bó suốt thời tuổi thơ của mình. Và như cố níu giữ những làn khói ấy lâu hơn, tận hưởng nhiều hơn chút man mác của mùi khói cay nồng… bỗng sợ mùi khói chiều tan biến đi nhanh chóng giữa dòng thời gian cuộn chảy.

Minh họa: Trà My

Sinh ra và lớn lên nơi vùng quê nghèo, cả thời tuổi thơ tôi gắn bó với rơm rạ, với bếp củi, với những làn khói mỏng manh trong những sáng se lạnh, những trưa ấm áp, những chiều ngả bóng hoàng hôn. Nơi làng quê, những đứa trẻ chúng tôi quá quen thuộc và gần gũi với khói bếp ban chiều. Vào khoảng 5 đến 6 giờ chiều, khi những ngọi khói cuồn cuộn như làn mây bay lên trên chái bếp là chắc rằng nhà ai đó đang bắt đầu chuẩn bị bữa cơm chiều. Và thế, cứ mỗi chiều tan trường đi về trên con đường làng còn đầy những vũng sình sau cơn mưa vội vã, lũ trẻ chúng tôi như được thấm dần mùi khói quá đỗi thân quen… Nhanh hơn mỗi bước chân, muốn về nhà thật nhanh xem má nấu cơm chưa, để được vào bếp, được lùi củ khoai lang cất giấu sau đống củi khô.

Giàn bầu của mẹ (Phạm Tuấn Vũ)

Năm nào nhà tôi cũng có một giàn bầu trước ngõ. Giàn bầu ấy mẹ tôi trồng. Mẹ tôi cả đời làm ruộng, chỉ biết quanh quẩn sau lũy tre làng với cánh đồng, mảnh vườn. Chợ tỉnh, chợ huyện bà mới ra được vài lần, sau này tôi định chở mẹ xuống phố mua sắm, bà lại bảo chỗ ấy đông người, mẹ… sợ. Qua năm này tháng nọ, mẹ tôi chỉ loanh quanh trong xóm, ra chợ làng, thăm vài người bạn láng giềng rồi lại trở về với căn nhà, góc sân, lại tự tay ươm trồng, vun vén cho hàng cà giàn mướp. Mẹ tôi thích ăn bầu, bà bảo ăn bầu người mát, nên năm nào cũng trồng một giàn trước ngõ cho trái sum suê.
Mẹ tôi là người kỹ tính. Từ việc để giành hạt giống mùa trước, cho đến ươm hạt lên mầm, bắc giàn cho bầu bò lên, bà đều làm tỉ mỉ. Có lần mẹ đi làm đồng, tôi ở nhà nấu cơm trưa. Tôi ra giàn bầu hái một quả đẹp nhất vào nấu canh cho mẹ. Tưởng rằng trưa mẹ về sẽ vui bởi bữa cơm do thằng con vụng về như tôi nấu. Ngờ đâu, khi mẹ về, tôi thấy mặt mẹ không vui: “Con hái trái bầu lớn nhất giàn rồi phải không”. Tôi hồ hởi dạ. Mẹ thở dài “Trái đó mẹ để làm giống mà”. Tôi mới ngớ người ra, bao giờ mẹ cũng để trái ra đầu tiên lấy hạt cho năm sau trồng. Rồi bà gõ đầu tôi, trái đầu tiên để giống mới tốt, lần sau làm gì cũng phải để ý nghe con. Tôi chỉ biết cười xòa. Rồi tự tay mẹ dọn cơm cho tôi.

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Chiều Noel

                                            Vi Ánh Ngọc

Hơi thở chiều khoác mùa đông buốt lạnh
Cố kiếm tìm dấu vết những vòng xe
Lạc mất sau cơn gió nồm thổi nhẹ
Chợt khe khẽ chuông Giáo đường ngân vang...

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Khóc Đại tướng


                                       Phạm Tuấn Vũ
Bác đã đi rồi, bác Giáp ơi!
Hôm nao như được thấy Bác cười
Miền Trung vừa tan cơn bão dữ
Tin Thủ đô về... Bác mất rồi!

Quảng Bình tan bão, chưa khô lệ
Cả nước chiều nay bỗng khóc òa
Hà Nội cuối thu trời trở lạnh
Bác Giáp bây giờ đã đi xa...

Ôi con người với thế kỉ XX
Đã làm nên một Việt Nam thần thánh
Kìa vị tướng đi đầu từng trận đánh
Mà ung dung như phần thắng nắm rồi.

Một chữ rằng: Thương


Thủy Linh Lung
Lướt qua một vài trang web ta thường chỉ thấy những dòng chữ tiếng anh và mấy hình trái tim to sụ choáng cả màn hình trông đến nhức nhối. Đó là cách thể hiện tình yêu lớp trẻ. Trong nhịp sống hối hả của những cô chiêu, cậu ấm thời @ chỉ có những mối tình chợt đến, lại đi trong tính đỏng đảnh của cơn mưa bóng mây đầu hạ. Thứ tình yêu fasfood ấy có chăng cũng chỉ vài ba tuần, một đôi tháng là tan vỡ. Dường như tình yêu không còn đúng nghĩa, đúng cái chất vốn có của nó nữa, nó đã bị biến thể theo lối sống quá nhanh của thời đại mới.
Nhớ thời ông bà cha mẹ ta, cũng là những con người có suy nghĩ, có những ước mơ và khao khát sống hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc họ có được sao đẹp đẽ đến thế. Tình yêu là một khái niệm quá trừng tượng và chung chung, đã bao lần ta hỏi tình yêu là gì? Nếu ai đã một lần mục sở thị nó, chạm vào nó thì hãy đứng ra mô tả nó. Tất cả chỉ mờ hồ mờ ảo của giọt nước mắt nhìn qua lăng kính lục lăng bảy màu đẹp đẽ mà vô ảnh. Người ta thường nói đến tình yêu nhưng không hiểu và cũng không cắt nghĩa được nó. Người Việt chúng ta chịu ảnh hưởng của chữ yêu từ bên ngoài còn gốc gác cội nguồn của chúng ta không có chữ yêu. Có chăng chỉ một chữ THƯƠNG mà thôi. Con chữ ấy đã cất giữ cả một góc khuất tâm hồn cho cả dân tộc.

Tết Trung Thu - Khởi nguyên và biểu tượng văn hóa

                 Thủy Linh Lung
1. Trung Thu tiết - Khởi nguyên
Tết Trung thu là một lễ hội dân gian truyền thống ở khu vực Đông Á được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Tết Trung thu không chỉ là lễ hội cổ truyền của người Trung Hoa mà còn là một lễ tết truyền thống của các nước đồng văn như  Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và một số dân tộc khác. Mặc dù cũng có những quan điểm cho rằng truyền thống mừng ngày Trung thu xuất phát từ nền văn minh lúa nước của người Việt và những tộc người ở phía nam Trung Quốc, nhưng khối lượng những truyền thuyết của người Trung Hoa liên quan đến sự khởi nguyên tết Trung thu xem ra vẫn dồi dào hơn.
Nông lịch của người Trung Quốc chia một năm ra làm bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mỗi mùa có ba tháng. Tháng tám rơi vào tháng thứ hai của mùa thu (Thu quý 秋季) nên được gọi là trọng thu (仲秋) hoặc trung thu (中秋). Ngày rằm tháng tám là ngày mà mặt trăng sáng rõ nhất trên bầu trời; do đó, từ thượng cổ, người Trung Quốc đã có tục cúng trăng vào ngày rằm tháng tám.
Để giải thích tục cúng trăng, truyền thuyết Trung Hoa thời cổ có câu chuyện Hằng Nga bôn nguyệt (Hằng Nga chạy trốn lên mặt trăng). Đã là truyền thuyết thì có nhiều dị bản, nhưng phiên bản sau được chấp nhận và phù hợp với tâm thức dân gian hơn cả: Chàng Hậu Nghệ dũng cảm đã trèo lên đỉnh Côn Lôn bắn chín mặt trời mặt trời chỉ chừa lại một mặt trời để cứu dương gian và được Vương Mẫu nương nương ban cho thuốc trường sinh bất tử. Một lần, khi chàng rời nhà đi săn, Hằng Nga, vợ chàng, đã bị Bàng Mông, một kẻ tâm thuật bất chính, ép phải giao thuốc trường sinh. Vì không muốn viên thuốc rơi vào tay kẻ bất nhân, Hằng Nga đã uống viên thuốc và nàng trở thành một tiên tử trốn lên cung trăng. Hậu Nghệ trở về biết chuyện rất nhớ thương Hằng Nga. Nhìn lên mặt trăng thấy thấp thoáng có bóng giai nhân, chàng bèn cho người bày dưới bóng trăng những thức ăn mà Hằng Nga vẫn thích, rồi mời một số người thân đến uống rượu tâm tình. Về sau, mọi người theo đó bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga ban cho may mắn và bình an.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Trung thu của tuổi thơ tôi


                        Phạm Tuấn Vũ       
Tháng tám trăng rằm lại về rồi đó. Trung thu về, mang theo nhiều tất bật, rộn ràng. Cuộc sống bây giờ đã khấm khá hơn, trung thu cũng dần đủ đầy, sung túc. Các em sẽ được những chiếc bánh ngọt xinh, những thứ quả chín mọng thơm lừng, được thỏa thích rước đèn ông sao, được múa lân, vui đùa ca hát. Còn niềm vui nào bằng vui Tết Trung thu.
Tôi đã đi qua tuổi thơ, bằng những tháng ngày nghèo khổ. Quê hương tôi tít tắp nơi những ngọn đồi trùng điệp xa đồng bằng mấy chục cây số đường rừng. Ở nơi ấy tôi đã lớn lên, bình yên như rừng núi muôn đời xanh thẳm hiền hòa. Nơi ấy, tôi đã có những mùa Trung thu của tuổi thơ, đơn sơ như ánh trăng núi rừng mà nhiều năm đi mãi, chen chúc giữa bao phố thị mỹ lệ phồn hoa, những mùa trăng rằm ấy vẫn chưa một lần mờ nhạt.

Góc nắng nơi không gian cafe


                                        Thủy Linh Lung
Trước đây, tôi chỉ hay la cà mấy quán ăn vặt, rồi nghêu ngao sông, suối, chứ ít khi tìm đến quán cafe nào. Đến tuổi bắt đầu lớn, tôi mới học được thú tìm không gian nơi những quán cafe... có lẽ bởi, tôi đang cần tìm cho mình một không gian nào đó chẳng? Về nhà, gặp lại mấy đứa bạn cũ, tụ tập nhau ở những quán ồn ã giữa lòng thành phố, tôi ngồi nhưng khó chịu lắm.
Quán nhỏ nhắn khép mình nơi ngoại ô thành phố. Tìm thấy nơi phố xá một luỹ tre, một bờ dậu. Tôi tìm thấy nơi đây đủ đầy một phần tâm hồn tôi. Thân thuộc, bình yên, và lắng đọng như thả trôi mình giữ dòng đời vậy. Mỗi sáng, nhạc Trịnh du dương thiết tha như một tấm chân tình. Không gian, quả đúng như cái tên của nó, mỗi người tìm đến đây như muốn tìm cho mình một không gian để ru hồn. Thả mình lãng quên trong vị cafe đắng dịu và một khoảng trời hồng. Trở về nhà, với tôi cuộc sống lại bắt đầu với những đổi thay mới, những khó khăn mới. Tôi nghĩ mình đã sống khác quá rồi. Không còn được tự do thoải mái nữa, những suy nghĩ cũng phải giấu nhẹm đi. Chỉ khi một mình như lúc này mình mới được sống thật là mình...  

Không đề

Ngồi ôm nỗi nhớ lặng thinh
Biết ai mà hỏi xem mình nhớ ai
Lẽ nào lại nhớ cái người
Mình thì nhớ nẫu, nẫu lười nhớ ta.
                            Quy Nhơn, ngày 24.9.2013
                                          Lê Văn Lợi

Nắng bột

                                              Thủy Linh Lung
Muốn vẽ gì trong nắng, tìm chút vương vấn của ngày qua với diệu vợi đê mê. Nhưng, cơn mê nào rồi cũng tỉnh, là sự tỉnh trong cái sự say. Người đời say, ta say, đất trời cùng say. Cứ như thế, khi đi hết mê lộ ta mới nhận ra thế giới này bé nhỏ lắm... ta lạc mất mình trong cơn say, nhưng khát khao tìm chính mình sau khi tỉnh dậy. Say chi nữa cô bé? dậy đi, dậy và bắt đầu một cuộc sống tỉnh. Mang nắng trời đi buôn, lấy lãi lời nuôi nấng tâm hồn mình…
“Tôi tìm ai giữa một trời chen nắng
Ai tìm tôi giữa phố vắng đong đưa”
Một người nghèo run lẩy bẩy giơ chiếc nón rách tả tơi trước mặt... em lặng lẽ vuốt lại tờ tiền cũ cho phẳng phiu thả vào chiếc nón đầy nắng em thấy mình cũng chỉ là kẻ hành khất giữa cuộc đời. Chỉ hơn, em là kẻ hành khất may mắn giữa những ô trọc... Đưa tay vuốt nhẹ giọt nước mắt lăn trên gò má chàng trai. Em như tự lau đi giọt nước mắt trong lòng mình. Nắng mang cho em chút ánh sáng đưa em ra khỏi chốn tuyệt lộ.

Còn thương rau đắng sau hè


                                          Phạm Tuấn Vũ
Sau hè nhà tôi ngày xưa có chòm rau đắng. Ở cái tuổi bảy tám lên mười, tôi không còn nhớ ngày đó chòm rau ấy có như thế nào. Chắc là do mẹ tôi trồng. Mẹ tôi thường như vậy, mua một mớ rau về, bà thường dành một phần trồng lại. Một đời khổ nghèo, nên bà hay chắt chiu từng thứ nhỏ. Bàn tay sần sùi mẹ tôi vun vén, rau diếp, rau răm lớn dần xanh mởn. Rồi cái bí cái bầu, mẹ gói ghém từng hạt giống,  một tay vun trồng, làm giàn cho lá mát xanh tỏa bóng, cho quả lủng lẳng trưa hè. Chắc là mẹ để dành mấy cọng khi nhặt rau sống mà nhà tôi có chòm rau đắng ấy. Mẹ tôi bảo : “Sau này đi chợ đỡ được mấy đồng”.
Tôi nhớ mãi lần đầu ăn bát canh rau đắng mẹ nấu. Lần ấy đi làm ngoài đồng về, bụng đói mà trời đang mùa nóng, mẹ dọn mâm cơm có món canh mới nên thấy hồ hởi vô cùng. Ai ngờ, mới được một húp, phải bỏ cả bát canh. “Mẹ ơi, canh đắng quá”. Mẹ tôi chỉ mỉm cười, cả đời bà lặng lẽ. Biết tôi thích đồ ngọt, mẹ vào lấy một mẫu đường bát nhỏ cho tôi. Niềm mơ ước của một thời thơ dại là viên kẹo xanh đỏ ngọt ngọt chua chua đôi khi trẻ con nghèo xóm tôi cũng không có được. Nên đường bát ngọt lịm vẫn là món quà bọn tôi rất thích. Bữa cơm ấy tôi ăn không được nhiều vì canh khó ăn. Mẹ tôi chỉ cười, ra vườn hái rau ngót nấu canh khác cho tôi. Bà nói : “Nhiều khi vị đắng sẽ tốt hơn”. Cái tuổi thèm ngọt làm sao tôi hiểu hết. Sau này, khi đi xa và không có ai nấu canh rau ngót cho mình, mà bữa cơm cuộc đời chỉ có rau đắng khổ qua, tôi mới thấm thía hết những điều mẹ nói.

Chùm thơ gia đình của Phạm Tuấn Vũ


Ngày của Ba
Một năm con có bao nhiêu ngày nghỉ
Nào thứ bảy, chủ nhật, ba mươi tháng tư
Nào giỗ tổ, nào quốc tế lao động
Ba của con không được nghỉ một ngày.

Cứ mỗi ngày lễ con nhắn tin chúc mọi người
Nào tết âm, dương, nào hai mươi tháng mười một
Lễ tình nhân, nào hai mươi tháng mười, mồng tám tháng ba
Tin nhắn chúc mừng là những lời có cánh
Trong danh bạ, con nhắn không thiếu ai cả
Nhưng số của Ba, con chưa gửi bao giờ.

Sinh nhật bạn bè con không sót một ai
Nào món quà, tấm thiệp mừng chu đáo
Nào những cuộc gọi, tin chúc mừng hoan hỷ
Đôi khi có cả tiệc tùng
Riêng sinh nhật của Ba, con chưa nhớ một lần.