Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Cầu tre thương nhớ (Phạm Tuấn Vũ)

Đất nước mình phát triển, ngày càng có nhiều cây cầu hiện đại, vững chắc nối liền hai bờ. Không còn nhiều hình ảnh những chiếc đò ngang cắm sào nằm đợi. Nhịp cầu tre lắc lẻo khó đi cũng dần lui vào ký ức của một thời quê hương còn nhiều vất vả gian lao. Nhiều em nhỏ hôm nay có thể sẽ không hình dung được chiếc cầu tre ngày ấy. Có thể ai đó lỡ quên mất nhịp cầu tre thân thiết năm nào. Nhưng với riêng tôi, hình ảnh chiếc cầu tre nho nhỏ nơi con suối đầu làng vẫn còn in đậm hoài trong ký ức, dẫu thời gian có thể làm nhiều thứ mờ phai.

Minh họa: Trà My

Cầu tre ngày ấy đơn sơ. Hai thân tre dài vắt ngang hai bờ suối làm cầu. Giữa dòng là hai đoạn tre già trồng chéo làm trụ chia cầu ra hai nhịp. Trên cầu một cây tre nhỏ thon dài được buộc vào hai trụ cũng bằng tre để người qua vịn cho dễ đi. Cây cầu nho nhỏ làm toàn bằng tre, đong đưa mỗi buổi trưa hè, lắc lư mỗi chiều nước lớn, gần gũi thân quen với người dân xóm tôi, như cây đa, bến nước của một ngôi làng nào đó trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này…
Cầu tre thân thuộc với từng con người trong xóm nhỏ quê tôi. Chiếc cầu tuy nhỏ, lắc lẻo khó đi nhưng nối liền hai bờ thương nhớ cho người thương được gặp người thương. Cầu tre thường ngày nhàn nhã nhưng vào ngày mùa cũng góp phần cùng dân quê lo toan bận bịu, oằn lưng cho từng bác Sáu, anh Ba gánh lúa chín về. Như giếng nước đầu làng của một vùng quê nào đó, cầu tre quê tôi hiền hòa, là nơi bà con trong xóm có dịp gặp nhau. Có những buổi làm đồng nắng gắt, các cô, các chị lại ra chân cầu, rửa chân tay cho mát mà đùa vui, chuyện trò cho với bớt nhọc nhằn. Ba mẹ tôi ngày nào cũng qua chiếc cầu này để ra đồng, lên rẫy. Tháng ngày lam lũ, những khó nhọc in hằn lên mái tóc rối bời của mẹ cha, từng dấu chân vất vả in lại trên thân cầu, qua nhiều mưa nắng có thể nhạt phai, nhưng nỗi khó nhọc còn nặng gánh một đời, bởi chúng tôi còn thơ dại. Cầu tre mấy nhịp đong đưa. Mẹ cha mấy thuở nắng mưa nhọc nhằn. Nghĩ về chiếc cầu tre xóm nhỏ, lại thấy thương cha mẹ vô cùng. 
Mấy nhịp câu tre ngày ấy cho tôi cả một trời tuổi thơ. Đám bạn chăn trâu thả diều chúng tôi có nhiều thú vui đồng ruộng. Có những chiều chạy nhảy, những trưa hè hái quả bắt ve, những ngày nước lên đi bắt cá, những trò đuổi bắt quên cả tháng ngày. Có cả những niềm vui thơ dại gắn với chiếc cầu tre nhỏ lắc lư. Ấy  là những trưa hè oi ả, không ngủ được, bọn tôi rủ nhau ra cầu tre tắm suối, nước mát rượi mà thỏa thích reo hò. Ấy là những chiều gió lộng, trâu no cỏ thong thả trên đồng, bọn tôi lại rủ nhau đi làm cần câu cá. Có gì đâu, một chiếc cần tre nhỏ, một sợi chỉ lén trộm của mẹ để dành trong khay, một chiếc lưỡi câu làm bằng lò xo bút, mồi câu là những chú cào cào. Cá cắn câu thì ít, mà niềm vui lúc nào cũng cứ đong đầy. Ấy là ngày sau lũ, cầu bị nước lớn cuốn trôi, bọn nhỏ chúng tôi lại hăng hái góp công đón tre làm cầu với các bác, các chú trong làng. Vậy đó, mà tuổi thơ chúng tôi đi qua, êm đềm như nước dưới chân câu lững lờ, ngọt ngào như nước suối mát quê hương. Bạn bè ngày ấy bây giờ mỗi đứa một nơi, xa dần xóm nhỏ, ra với cuộc đời. Tôi giờ cũng mải đi, chỉ có chiếc cầu tre nhỏ và tuổi thơ ở lại cùng với tháng ngày…
Ai xa dần quê hương, xa dần cây đa giếng nước chắc hẳn sẽ nuối tiếc cho thời hồn nhiên vui tươi đã qua đi và sẽ chẳng thể trở về. Tôi dần lớn lên, đi qua tuổi thơ bằng những tháng ngày rất hiền, êm đềm như đêm trăng tỏ có hương cau rụng trắng cả sân hè, bằng những trò đùa vui đồng ruộng với đám bạn chân đất đầu trần lành như đất không bao giờ biết toan tính, bằng những cánh cò chấp chới mang dáng mẹ tảo tần, và bằng cả chiếc cầu tre nhỏ như dáng cha một đời khó nhọc, hy sinh. Chiếc cầu tre nhỏ thân thương. Tuổi thơ ta với quê hương một thời. Tôi đã đi và sẽ còn đi mãi, chiếc cầu tre xin gửi lại quê nhà. Để những khi thấy lòng mệt nhọc, sẽ lại tìm về dòng suối mát với chiếc cầu tre lắt lẻo quê hương…
Phạm Tuấn Vũ

Không có nhận xét nào: