Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Một chữ rằng: Thương


Thủy Linh Lung
Lướt qua một vài trang web ta thường chỉ thấy những dòng chữ tiếng anh và mấy hình trái tim to sụ choáng cả màn hình trông đến nhức nhối. Đó là cách thể hiện tình yêu lớp trẻ. Trong nhịp sống hối hả của những cô chiêu, cậu ấm thời @ chỉ có những mối tình chợt đến, lại đi trong tính đỏng đảnh của cơn mưa bóng mây đầu hạ. Thứ tình yêu fasfood ấy có chăng cũng chỉ vài ba tuần, một đôi tháng là tan vỡ. Dường như tình yêu không còn đúng nghĩa, đúng cái chất vốn có của nó nữa, nó đã bị biến thể theo lối sống quá nhanh của thời đại mới.
Nhớ thời ông bà cha mẹ ta, cũng là những con người có suy nghĩ, có những ước mơ và khao khát sống hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc họ có được sao đẹp đẽ đến thế. Tình yêu là một khái niệm quá trừng tượng và chung chung, đã bao lần ta hỏi tình yêu là gì? Nếu ai đã một lần mục sở thị nó, chạm vào nó thì hãy đứng ra mô tả nó. Tất cả chỉ mờ hồ mờ ảo của giọt nước mắt nhìn qua lăng kính lục lăng bảy màu đẹp đẽ mà vô ảnh. Người ta thường nói đến tình yêu nhưng không hiểu và cũng không cắt nghĩa được nó. Người Việt chúng ta chịu ảnh hưởng của chữ yêu từ bên ngoài còn gốc gác cội nguồn của chúng ta không có chữ yêu. Có chăng chỉ một chữ THƯƠNG mà thôi. Con chữ ấy đã cất giữ cả một góc khuất tâm hồn cho cả dân tộc.
Cái thương cái ghét là hai mặt của một con người, và kinh nghiệm ngàn đời đã dạy lấy cho ta đạo lý:
“Thương nhau cau sáu bổ ba,
Ghét nhau cau sáu chẻ ra làm mười”
Và tình thương ấy cũng lạ lẫm lắm. thương nhau, thương cả đường đi lối về mà đã ghét nhau thì trái bồ hòn cũng méo. Tình chớm nở là những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất và sổi nổi nhất, thế nên khi bắt đầu yêu, ta có thể giấu nhưng đôi mắt, cử chỉ, điệu bộ của ta thì không thể giấu đi những tình cảm ấy trong ta. Ta thêm quý cách thể hiện tình cảm rất nhẹ nhàng, kín đáo và chính sự kín đáo ấy tạo ra những thi vị cho tình cảm lứa đôi. Người thương, – như nhấn nhá, đẩy đưa đầy ý nhị:
“Vì cam cho quýt đèo bòng,
Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương.
Đói lòng ăn nửa trái sim,
Uống lưng bát nước đi tìm người thương”
Chữ tình vấn víu đến kỳ lạ. Sông không thể không có nước, tằm không thể thiếu tơ, và người thương không thể không có người thương là thế:
“Người thương, ơi hỡi, người thương,
Đi đâu mà để buồng hương lạnh lùng.
Đôi ta thương mãi nhớ lâu,
Như sông nhớ nước, như nhành dâu nhớ tằm”
Với Chí Phèo, Thị Nở là hoa hậu.Bởi cái tình thương đã tô đẹp con người đã che đi cái xấu mà tạo hoá trót thêm thắt vào…. Thế nên, thương nhau rồi thì cái gì cũng là thương hết:
“Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương ăn nói dịu hiền dễ nghe…”
Vì lòng mến, lòng thương mà bao cái cớ được tạo ra đôi khi rất ngẫu nhiên nhưng cũng đầy cố ý. Và mỗi lần như thế thì tại thương, tại nhớ là một lí do, một lời biện minh tốt nhất của một chàng trai:
“Thương em không dám vô nhà
Đi qua đi lại hỏi: "gà bán không?"
Con gái thời nay lúc nào cũng tự do yêu đương, bình đẳng giớ để làm những gì mình muốn. Điều ấy là tốt, là tiến bộ. Nhưng tôi vẫn thích người con gái xưa, tế nhị và kín đáo. Yêu lắm, thương lắm nhưng chỉ cũng để trong lòng:
-          Thương cha nhớ mẹ có hồi
Thương anh lúc đứng lúc ngồi không an
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dãi yếm cho chàng sang chơi
-          Đêm đêm ngồi dưới bóng trăng
Thương cha nhớ mẹ không bằng thương anh
Đêm nằm lưng chẳng bén giường
Mong cho mau sáng ra đường gặp anh
-          Thương anh chẳng dám nói ra
Chiều chiều đi dạo vườn hoa khóc ràn
Đêm nằm khô héo lá gan
Mong cho mau sáng ra đàng gặp anh
Trong tình cảm vợ chồng, vốn đã là những người đầu ấp tay gối, đã thân thuộc với nhau thì chữ thương đã không còn là rung động đầu đời, hay sự đợi chờ nữa. Giờ đây nó lại là sự khoan dung, độ lượng của những người hiểu nhau, sẵn sàng cảm thông và sẻ chia cho nhau:
“Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Cây khô nghe sấm nứt chồi,
Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”
Cái chén để chung còn va vấp, chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt là chuyện thường, không gia đình nào không gặp phải. Nhưng bằng lòng thương, cái nghĩa vợ chồng chuyện tình giận hờn bỗng chốc hóa không:
“Cãi nhau là chuyện bình thường,
Cãi xong tâm sự trên giường cả đêm”
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã tinh tế khi nhận ra được cái tình thương ấy trong tình cảm của mẹ cha đẹp như một câu hát thân thuộc: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Đó mới chính là tình đẹp trăm năm đến đầu bạc răng long, là tình cảm sắt son thực sự mỗi người phải khao khát:
“Tóc mai sợi vắn sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”
Bản tình ca giai điệu nhẹ nhàng từ một quán café vang lên. Tự cho mình quyền được nhàn tản như người khách du. Tắt chiếc máy tính. Nhấp ngụm café sánh quyện. Ta chợt nhận ra trong cái vội vã của cuộc sống hiện đại này như cũng cần chùng lại để thấy cần lắm những nét thương lặng lẽ để đong đầy một cuộc tình.
                                                                                                                  T.L.L


Không có nhận xét nào: