Thi sĩ họ Nguyễn chẳng
đã nói “Nắng mưa là bệnh của trời”;
mưa, nắng đâu chỉ là những hiện tượng tất yếu của sinh thể tự nhiên, nó còn có
nghĩa là những “mưa, nắng” trong cuộc đời này. Vốn dĩ là chuyện riêng tư như thể
“tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” vậy
thôi, Nhưng chuyện riêng ấy lại không của riêng ai. Như thế, ta thấy mặt lưỡng
hợp của mọi vấn đề: giữa riêng - chung, cá nhân - cộng đồng, dân tộc - nhân loại,
truyền thống - hiện đại... Theo như triết học Mác-Lênin, đó là mối quan hệ biện
chứng giữa các sự vật, hiện tượng. Đó chính là quy luật hiện tồn của cuộc sống.
1.MƯA - NẮNG VẦN VŨ ĐÔI BỜ
Cuộc sống cũng như đời
người vốn dĩ là một dòng sông vừa khai thuỷ, chảy trôi theo một dòng không định
sẵn. Trên đôi bờ sông ấy, nắng mưa thay nhau vần vũ bốn mùa. Mùa xuân là mùa đẹp
nhất trong năm nhưng vẫn có những cơn mưa xuân làm tiết trời se lạnh. Dường
như, hoá tạo muốn đêm hơi thở lạnh lẽo níu giữ những sắc hương ấy. Hạ đến cùng
mùa nắng oi ả, nắng nhuốm vàng những chòm điệp, đổ lửa lên vòm phượng học trò
và trượt mình trên chiếc nón lá tinh khôi của người thiếu nữ. Đôi khi trở tính đỏng
đảnh, vài cơn mưa hạ rả rích thầm thì với lũ học trò tinh quái. Con gió heo may
mang cái lạnh, khô len lỏi vào thu mùa làm nhạt sắc lục nơi màu lá biếc để trong
kí ức người chỉ ngập màu vàng thu năm nao. Đông tới cũng là khi lạnh giá đến buốt
thịt xương, giá lạnh đến độ ta không còn cảm giác, chỉ mơ hồ là cái rét ngọt cắt
vào da thịt. Như thế, bốn mùa chảy trôi trong chuyển luân của nắng, của mưa. Cuộc
đời này cũng thế, dọc đường đời là bao bão tố, bao cơn khát, bao trầm luân luôn
chực chờ.